Lãng phí và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Diendandoanhnghiep.vn Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực của đất nước, tài nguyên thiên nhiên để góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7%.

Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình tổng thể của Chính phủ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành.

Quyết định nêu rõ: Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 là nâng cao hiệu quả của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và tạo cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020.

Do đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực của đất nước, tài nguyên thiên nhiên để góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7%.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, mở rộng cơ sở thuế, tăng cường quản lý thu; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước.

Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, bền vững; giữ cơ cấu hợp lý giữa tích lũy và tiêu dùng, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh…

Theo Chương trình tổng thể của Chính phủ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể.

Về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, trong năm 2020, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Quốc hội thông qua.

Đối với quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, trong năm 2020, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn Luật.

Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 cũng yêu cầu thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công.

Các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm giao kế hoạch đầu tư công năm 2020 theo đúng quy định, lựa chọn dự án bảo đảm thủ tục đầu tư xây dựng để khi dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn có thể triển khai ngay, khắc phục tình trạng dự án giao vốn nhưng không triển khai được trong khi một số dự án có nhu cầu thì không được bố trí vốn.

Đáng chú ý, Chương trình quy định rõ, trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công tác quản trị, công nghệ, cơ cấu sản phẩm, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Thực tế cho thấy, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, tháng 7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước..., thế nhưng lãng phí vẫn được coi là một căn bệnh khó chữa.

Trước không ít vụ lãng phí ngân sách, lãng phí của công đã được báo chí nói đến trong thời gian qua, dư luận cho rằng cần có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt với vi phạm. Bởi cùng với tham nhũng, lãng phí gây hậu họa rất lớn, làm thất thoát tiền của Nhà nước, thâm thủng ngân sách, xói mòn niềm tin của nhân dân.

Lãng phí biểu hiện trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên thấy rất rõ ở những công trình, dự án tiêu tốn ngân sách hơn giá trị thực vốn có. Việc đội vốn các công trình từ ngân sách không chỉ đến từ tham nhũng, đục khoét mà còn từ lãng phí.

Lãng phí ngân sách đầu tư, lãng phí sức người, lãng phí thời gian… tổng hợp lại đó sẽ là sự lãng phí rất lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tham ô là trộm cắp. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi của Việt gian, mật thám. Chống tham ô, lãng phí và quan liêu như một “thứ giặc trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”.

Trong bài nói tại buổi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm (17/3/1952) Người lại nói “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”.

Đúng vậy, tham ô, lãng phí lâu nay đã thành một quốc nạn, một nguy cơ tồn vong của chế độ.

Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, do Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động, đã và đang thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Kết quả này đang làm nức lòng nhân dân cả nước, lấy lại lòng tin của dân đối với Đảng, Nhà nước.

Và, ngay những ngày đầu năm mới Canh Tý 2020, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý trong Chương trình tổng thể của Chính phủ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020: "Chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công" như một phát "trống lệnh" cảnh báo để các đơn vị, địa phương tự soi lại mình.

Hy vọng rằng, cùng với việc nêu cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí của từng cá nhân, đơn vị thì trách nhiệm pháp lý phải được gắn với từng chủ thể từ khâu thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án.

Có như vậy mới hạn chế được sự đầu tư dàn trải, lãng phí để từng đồng vốn chắt chiu thực sự hữu ích, thực sự vì nước, vì dân.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Lãng phí và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714554149 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714554149 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10