Mất ổn định nền nông nghiệp: Không chỉ bán rễ tiêu!

Diendandoanhnghiep.vn Vì sao thương lái Trung Quốc thu mua những loại hàng hóa “đặc biệt” như: Móng trâu, lá điều, đỉa, bưởi non, rễ tiêu…?

Chưa có lý do cụ thể nào được chỉ ra, mặc dù con đường đi của “đặc sản” Việt Nam có loại chưa vượt qua biên giới sau khi bán.
 

Đến rễ tiêu người dân cũng đào để bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Vẫn chiêu bài cũ

Một “mô hình” kinh doanh lạ được sử dụng nhiều lần, cơ quan chức năng phát đi hết cảnh báo này đến khuyến cáo khác nhưng tình hình chưa thể chấm dứt. Mới đây nhất tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai xuất hiện tình trạng người dân đào rễ tiêu bán cho thương lái Trung Quốc.

Ông Lê Đình Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thọ xác nhận: “Hiện có 4 thương lái thu mua rễ tiêu với giá 20 nghìn đồng/kg tươi và 80 nghìn đồng/kg khô, hiện tượng này diễn ra đã hai tháng nay”.         

Con đường đi của rễ hồ tiêu khá phức tạp, các thương lái bán cho một công ty, công ty này tiếp tục nhập về một công ty khác ở TP HCM để xuất đi Trung Quốc làm thuốc bắc!?

Cùng địa bàn tỉnh Đồng Nai, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ cũng là vùng trọng điểm trồng tiêu. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Phê, Chủ tịch UBND xã này khẳng định: “Từ trước tới nay chưa có trường hợp nào người dân bán rễ tiêu”. Trong khi đó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ, ông Nguyễn Hoài Nam từ chối bình luận về thông tin này qua…điện thoại!

Đáng nói, rễ tiêu bị đào bán trong thời gian giá tiêu hạt xuống thấp, khoảng 50 nghìn đồng/kg, tuy nhiên theo nhiều nguồn tin thị trường, giá hồ tiêu gần bắt đầu tăng trở lại nhờ ổn định thị trường xuất khẩu và động lực thu mua đầu cơ nhỏ lẻ.

Để ngăn chặn tình trạng này, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai đã phát đi văn bản cảnh báo. Theo Sở này: “Việc mua rễ tiêu với mục đích không rõ ràng có nguy cơ xảy ra tình trạng người dân chặt phá, đào trộm gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt”.

Mặt hàng thương lái Trung Quốc nhằm vào đều ở lĩnh vực nông nghiệp, là những loại cây, loại con chủ đạo ngành trồng trọt. Những “phân khúc” thu mua đều mang tính chất hủy diệt. Có hay không một âm mưu nào đó phá hoại nền nông nghiệp nước ta?

Điều là loại cây lâu niên, khi bị bứt lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đơm bông, kết trái; tương tự, rễ cây hồ tiêu chứa rất nhiều mầm bệnh, giả sử không được đưa về Trung Quốc chế thuốc bắc mà “để” đâu đó như trường hợp thu mua đỉa, rắn lục xanh đuôi đỏ thì hậu họa khôn lường.

Làm gì để chấm dứt tình trạng này?

Làm ăn với thương nhân Hoa kiều luôn phải thon thót giật mình, hết mua “lạ” đến ép giá; có đội ngũ gom hàng len lỏi đến tận xóm làng, có vẻ họ hiểu rất rõ đặc tính hám lợi trước mắt của người nông dân và tính bất ổn định của nền nông nghiệp nước ta. Những thứ bị “đánh” vào đều để lại ảnh hưởng sâu sắc về lâu dài.

Chưa có giải pháp gì đáng kể ngoài nỗ lực tuyên truyền cho bà con nông dân cảnh giác với thủ đoạn mua lạ lùng. Nhưng chẳng hiểu sao thi thoảng lại xuất hiện tình trạng kinh doanh kiểu phá hoại, giống như việc thu mùa rễ tiêu ở Đồng Nai đã diễn ra 2 tháng trời. Chính quyền, các đoàn hội cơ sở làm gì, ở đâu trong thời gian dài như thế?

Vì sao người nông dân sẵn sàng bán khúc rễ coi như diệt luôn cả trụ tiêu? Đó chưa hẳn là do vườn tiêu già cỗi, năng suất thấp như kết quả khảo sát của UBND xã Xuân Thọ (Đồng Nai). Vấn đề ở chỗ giá cả bấp bênh, tính bền vững chưa được chú trọng nên người dân bán rễ tiêu như một cách vớt vát chút đỉnh. Hồi năm ngoái, mấy héc ta tiêu xanh mướt ở Gia Lai bị chặt hạ vì giá quá thấp, có trường hợp chủ vườn tự tử vì thua lỗ.

Mọi nguyên do đều dẫn tới câu hỏi: Làm sao để ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp? Đây chính là mấu chốt của vấn đề, chỉ có ổn định cho người nông dân mới tiệt trừ tận gốc tình trạng bán non cây trồng, vật nuôi.

Ổn định bằng cách nào? Đây có lẽ là “hòn đá tảng” lớn nhất mà nền nông nghiệp Việt Nam gặp phải nhiều năm qua. Giải pháp được bàn nhiều nhất là “chuỗi liên kết”, chính xác đây là cách tốt nhất vực dậy nông dân, nông thôn.

Dĩ nhiên, “chuỗi liên kết” cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ được thực hiện bài bản. Ví dụ mặt hàng hồ tiêu, muốn liên kết với đối tác nước ngoài để đảm bảo ổn định đầu ra, người nông dân phải cam kết thực hiện canh tác đúng quy trình chuẩn do phía đối tác yêu cầu. Một mặt cần ý thức “công nghiệp hóa nông nghiệp”, mặt khác không thể thiếu sự hỗ trợ thường xuyên nhiều mặt của Nhà nước.

Lãnh đạo một huyện ở Đồng Nai từng đặt ra vấn đề: “Ổn định thế nào khi mà người nông dân nay trồng cây này mai trồng cây khác”. “Chuỗi liên kết” không phải là chạy theo sự thao túng thị trường mà là buộc thị trường phải chấp nhận sản phẩm chất lượng, có chiều sâu.

Bán rễ tiêu, lá điều, heo rớt giá, điệp khúc chặt phá – trồng – rồi lại chặt chính là hệ quả của tình trạng người nông dân tự “bơi” trên mảnh ruộng của chính mình.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Mất ổn định nền nông nghiệp: Không chỉ bán rễ tiêu! tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714894659 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714894659 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10