Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra (Kỳ I): Doanh nghiệp Việt “ngấm đòn”

Diendandoanhnghiep.vn Mức thuế chống bán phá giá cá tra cao gấp 2 lần giá bán sản phẩm tại quyết định lần này của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) được cho là thiếu công bằng, khiến nhiều doanh nghiệp cá tra Việt bắt đầu lao vào thua lỗ, nguy cơ “cấm cửa” vào thị trường này.

Mặc dù đã đã nộp hồ sơ đúng hạn, tuy nhiên Công ty Cổ phần Gò Đàng (Godaco)- doanh nghiệp được chọn để xem xét hồ sơ lần thứ 13 (POR 13) này vẫn phải nhận mức thuế 3,87USD/kg từ DOC. Hơn nữa, đơn vị này còn cho biết, đây là lần đầu tiên DOC yêu cầu Công ty Godaco thực hiện việc thay đổi cách kê khai hồ sơ có nhiều khác biệt so với các kỳ trước.

p/Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty thủy sản Hùng Vương.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty thủy sản Hùng Vương.

“Cơn bão” áp thuế

“Chúng tôi đã cung cấp đầy đủ dữ liệu liên quan đến các yếu tố sản xuất, số liệu bán hàng và trả lời đúng hạn các câu hỏi của phía Mỹ. Nếu họ căn cứ vào hồ sơ và số liệu do chúng tôi cung cấp để làm cơ sở tính mức thuế phá giá như những lần xem xét trước đây thì chắc chắn chúng tôi sẽ được hưởng một mức thuế suất không đáng kể. Vậy mà họ lại áp mức thuế cao đến khó tin”, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Godaco bức xúc.

Theo đại diện Godaco, mức thuế này tăng 5,61 lần so với mức thuế ở lần POR 12 trước đó. Mà không chỉ Godaco, đây là mức thuế DOC áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 13 này.

Đây cũng là mức thuế cao nhất từ trước đến nay và cao hơn cả mức thuế toàn quốc 2,39 USD/kg mà DOC áp dụng cho các công ty không được hưởng thuế suất riêng rẽ trong vụ kiện chống bán phá giá cá tra của Việt Nam.

Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg.

Có thể nói, "cơn bão" áp thuế chống bán phá giá này của Mỹ sẽ càn quét và gây mức độ thiệt hại nghiêm trọng đối với doanh nghiệp Việt. Nói như Vị Tổng Giám đốc Godaco: “Cá tra Việt Nam sẽ hết đường xuất khẩu sang Mỹ. Lý do là với mức thuế gần 4 USD/kg mà công ty phải chịu bằng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, còn với mức thuế cao gần 8 USD/kg thì cao gấp đôi giá xuất khẩu”.

Phải nói rằng, ngay từ khi có kết quả sơ bộ POR 13, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đã bắt đầu “chịu đòn”. Biểu hiện ngay ở những doanh nghiệp “đầu đàn”.

Cty CP Hùng Vương (HVG) từ "vua cá tra" trên sàn chứng khoán, đã trở thành "vua lỗ" khi đạt doanh thu 15.709 tỷ đồng nhưng chịu lỗ tới 705 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá vốn quá cao, cùng với đó là sự bế tắc trong việc tìm kiếm thị trường. Cty Thuỷ sản An Giang (AGF) cũng thua lỗ 187 tỷ đồng năm 2017.

Chuyển hướng sản phẩm

Trao đổi với DĐDN về vụ việc này, Chuyên gia Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, nguyên Tổng thư ký VASEP, người nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp cá tra nhìn nhận: “Mức thuế cao ngất ngưởng lần này đã thể hiện rõ quyết định của Hiệp hội Cá nheo Mỹ là chỉ định sản phẩm fille đông lạnh cá tra vào Mỹ”. Ông Dũng cũng cho biết đã từng có tiền lệ ở lần xem xét hành chính thứ 9, Việt Nam khi đó đã phải có kiến nghị. “Tuy nhiên, trong bối cảnh chính sách bảo hộ đang lên cao hiện nay, sự nhân nhượng từ chính quyền Tổng thống Trump là rất khó” - ông Dũng nhận định.

Thực tế, cũng có một số doanh nghiệp cho biết đã chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Colombia… Trong đó, Trung Quốc được cho là sẽ nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nhiều rủi ro như xuất khẩu tiểu ngạch, thị trường thiếu tính ổn định, cung cầu khó dự báo…

Vì vậy, ông Dũng cho rằng: “Bên cạnh việc kiến nghị về mức thuế lần này, cần phải có những biện pháp “dài hơi” cho cá tra Việt Nam bằng việc phát triển sản phẩm khác biệt” .

Cụ thể, hiện sản phẩm fillet đông lạnh chiếm tới 97% sản phẩm từ cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Dũng, đây chỉ là sản phẩm ở dạng nguyên liệu thô, giá trị kinh tế không cao, một phần được người tiêu dùng Mỹ sử dụng mua trực tiếp, còn phần lớn được các nhà máy của Mỹ nhập lại để chế biến thành sản phẩm ăn liền.

“Do đó, bên cạnh giữ fillet, doanh nghiệp nên chuyển hướng các sản phẩm khác, tránh quá phụ thuộc vào một dòng sản phẩm, tạo sự chủ động khi xảy ra các diễn biến thị trường, đồng thời tạo vị thế cho sản phẩm Việt” - ông Dũng gợi ý, và dẫn ví dụ fillet cá tra có thể chế biến thành sản phẩm filler tẩm bột chiên. “Các doanh nghiệp Mỹ nhập nguyên liệu của ta về làm món này, tại sao mới chỉ có rất ít doanh nghiệp chúng ta đi theo hướng này”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng gợi ý thêm cho doanh nghiệp về một loại sản phẩm mới và có giá trị cao mà ngành cá tra Việt chưa tính tới, đó là bột đạm cao cấp. “Đây là sản phẩm giá trị cao, có thể sử dụng cho ngành thực phẩm, dược phẩm hay các sản phẩm thực phẩm bổ sung. “Những sản phẩm giá trị cao này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi bản chất công nghệ, nhưng nó là bước đường dài, là lối đi riêng. Chúng ta không thể đi suốt 13-14 năm với những vụ kiện fillet đông lạnh”, ông Dũng nhấn mạnh.

Kỳ II: Việt Nam có cơ sở để khởi kiện?

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra (Kỳ I): Doanh nghiệp Việt “ngấm đòn” tại chuyên mục Thị trường - Sản phẩm của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714093634 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714093634 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10