Nhan sắc sao phải chịu “chui”?

Diendandoanhnghiep.vn Nhu cầu làm đẹp của phụ nữ là thiết yếu, chính xác. Đàn ông tùy theo điều kiện vẫn cổ vũ, khuyến khích chị em làm đẹp.

Thời nay, người phụ nữ phần nào được giải phóng khỏi nỗi lo thường trực về “cơm áo gạo tiền”, nên họ đã chú trọng hơn vào đầu tư chăm sóc sức khỏe, nhan sắc.

Điều lạ là chị em vốn dĩ rất cẩn thận, ví dụ như dịch bệnh COVID-19 đã sang “bình thường mới” rồi, mà khi đi ăn, còn hỏi cặn kẽ đi với ai, đã tiêm đủ mũi vaccine, từng nhiễm và khỏi chưa? Rồi ăn ở đâu, không gian thế nào, ăn món gì, có chụp ảnh check in đẹp được không?...

Bệnh nhân Phạm Thị Diễm H. (SN 2000, quê ở Long An) đã tử vong sau 2 tháng lâm vào hôn mê sau sau phẫu thuật nâng mũi ở Hà Nội.

Bệnh nhân Phạm Thị Diễm H. (SN 2000, quê ở Long An) đã tử vong sau 2 tháng lâm vào hôn mê sau sau phẫu thuật nâng mũi ở Hà Nội.

Ấy thế mà đi làm đẹp lại dễ dàng phó mặc sức khỏe, nhan sắc, thậm chí cả tính mạng cho mấy cô “hot girl” để cho họ tiêm, chọc, nhấn mí, nâng mũi… Đáng nói, đến cả các đại phẫu như nâng ngực, hút mỡ…, cũng sẵn sàng nghe lời truyền miệng tìm đến các cơ sở làm đẹp (Spa) không đủ điều kiện, năng lực, chức năng…, để thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật. Một phần vì ham rẻ, một phần vì muốn kín đáo, chính “kẽ hở” này gây lên bao câu chuyện dở khóc, dở cười.

Tuần trước về quê, cô em gái con ông chú tôi nhờ đi xe về cùng. Vào xe rồi mà nó cứ đứng lom khom, bảo mà không chịu ngồi. Gặng hỏi mãi hóa ra là đi độn mông silicon ở Spa “chui”, giờ nó vừa lệch, vừa đau không ngồi được, đi xe máy thì còn khổ nữa.

Khổ thân con bé rất xinh xắn, gọn gàng rồi mà lại muốn sexy hơn nữa nên bây giờ “đau mông méo mặt”. Nghe em kể còn nhiều trường hợp lắm: Làm trắng da thì nổi mụn toàn thân; nâng mũi thì vẹo mũi, sưng viêm, chảy nước; trị nám thì thành rám mặt... Khổ nỗi cứ người này làm đẹp đem khoe kể, thế là rủ nhau đi mà không chịu kiểm chứng cơ sở có đủ giấy phép, trình độ, thiết bị để làm hay không.

Đi làm đẹp để trưng ra mà lại “làm chui”, chỉ khổ các bệnh viện, khi làm đẹp “chui” thì chị em không đến nhưng khi làm đẹp mà bị “thui” thì các bác sĩ trong bệnh viện lại phải khắc phục hậu quả những tổn thương, hoại tử, biến chứng... do các cơ sở “chui” gây ra.

Như tìm hiểu, để có thể hành nghề bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ phải trải qua một quá trình học tập rất dài. 6 năm chuyên môn, 3 năm nội trú chuyên khoa, tiếp đến qua 54 tháng thực tập mới được hành nghề chính thức. Cho nên số lượng bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ đúng tiêu chuẩn ở Việt Nam chắc chỉ có vài trăm người. Thời gian học lâu, tốn kém, các quy trình xử lý phẫu thuật đúng kỹ thuật, an toàn, bài bản, hiệu quả lâu dài, dẫn đến chi phí cho ca phẫu thuật thẩm mỹ vừa lâu, vừa tốn kém. Trong khi cầu thì vượt nhiều so với khả năng cung.

Các bác sĩ Bệnh viện thẩm mỹ Hàn Quốc JW, quận 1, TP.HCM phẫu thuật cho một bệnh nhân bị hoại tử vùng bụng nghiêm trọng sau khi tiêm chất tan mỡ mua trôi nổi trên thị trường vào cuối tháng 2-2022 - Ảnh: T.D.

Các bác sĩ Bệnh viện thẩm mỹ Hàn Quốc JW, quận 1, TP.HCM phẫu thuật cho một bệnh nhân bị hoại tử vùng bụng nghiêm trọng sau khi tiêm chất tan mỡ mua trôi nổi trên thị trường vào cuối tháng 2-2022 - Ảnh: T.D/TTO

Nhiều phụ nữ chọn con đường tắt đến các cơ sở của các cô gái có sẵn ngoại hình xinh xắn, theo học vài khóa đào tạo ngắn hạn, kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, có cái giấy chứng nhận in màu mè “hoa hòe hoa sói” là đè khách ra tiêm filler, botox…, trong khi nếu có khách hỏi “có cần thử phản ứng sốc phản vệ không em?” thì cô chủ Spa mở to đôi mắt nai tơ vì chẳng hiểu “sốc phản vệ” là gì.

Kiến thức nhiều hạng mục khá là khô khan, không giống như việc giải trí nhưng hữu ích cho sức khỏe, cuộc sống. Đơn giản như việc phân biệt giữa Bằng cấp và Giấy chứng nhận mà chị em không chịu tìm hiểu. Bằng cấp là sự công nhận, xác thực cho một lĩnh vực, chuyên môn mà người đó trải qua, đạt được. Còn chứng nhận chỉ là phần nâng cao, thêm vào, bổ sung cho bằng cấp ấy. Không có bằng bác sĩ chuyên khoa, không được cấp chứng chỉ hành nghề, chỉ tham gia mấy khóa hội thảo ngắn hạn vài ngày hoặc một tuần được cấp cái giấy chứng nhận hoàn thành mà có người đã đem về, thực hiện các thủ thuật y tế cần chuyên môn cao là một sự liều mạng.

Buồn thay, không ít chị em lại sẵn sàng nghe “mật ngọt chết ruồi”, làm chuột bạch cho mấy cô xinh xinh có tài ăn nói thực hiện tiểu phẫu, đại phẫu để rồi “tiền mất tật mang”. Đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy hậu quả khôn lường.

Hệ thống pháp luật về vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ không thể nói là chưa hoàn thiện. Sở Y tế vẫn thực hiện đầy đủ chức năng, thẩm định, cấp phép cho các cơ sở bệnh viện, phòng khám đủ điều kiện không hề làm bừa, làm ẩu.

Lỗi là chính khách hàng, người có nhu cầu làm đẹp dù nhu cầu chính đáng mà cách làm lại chưa thỏa đáng. Phần nữa là việc tổ chức các khóa học ngắn hạn, cấp chứng nhận, chứng chỉ bừa bãi “lập lờ đánh lận con đen”, là hành vi đáng phê phán, xử lý nghiêm. Đây là hành động bất chấp đạo đức tạo điều kiện cho người lợi dụng thiếu hiểu biết của chị em để trục lợi.

Cần lắm chế tài bổ sung, xử lý các cơ sở hoàn toàn chưa đủ điều kiện, chức năng mà vẫn tổ chức đào tạo, thu tiền, cho ra các học viên “ăn xổi”, làm đẹp hóa thành “làm xấu” cho không ít chị em, làm nhan sắc của chị em lại phải chịu chui luồn kiểu “phú quý giật lùi”.

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nhan sắc sao phải chịu “chui”? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714144439 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714144439 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10