Quảng Ninh: Mở cửa đón nhà đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Diendandoanhnghiep.vn Khi ngành du lịch bị “tê liệt” bởi dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, Quảng Ninh đã sớm nhận diện công nghiệp chế biến, chế tạo chính là động lực dẫn dắt kinh tế địa phương tăng trưởng.

6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, song tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Quảng Ninh vẫn tăng 8,02%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 3,32%; đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Công nhân làm việc tại KCN Hải Yên, tỉnh Quảng Ninh

Công nhân làm việc tại KCN Hải Yên, tỉnh Quảng Ninh

Đóng góp vào kết quả này chính là sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tỷ trọng chiếm tới 11,7%; mức tăng trưởng tăng 38,95% so cùng kỳ, vượt 17,6 điểm % kịch bản, vượt 25,38 điểm % với tốc độ tăng cùng kỳ. Đây cũng là nhóm ngành đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong GRDP tỉnh. Trong đó, ngoài một số sản phẩm lợi thế giữ mức tăng cao do nhu cầu thị trường lớn, thì một số sản phẩm mới như: loa,  tivi, vải dệt thoi từ sợi tổng hợp... đến từ các dự án công nghiệp chế biến chế tạo lớn của Tập đoàn Foxconn, công ty Bumjin Electronics Co.Ltd, công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long... cũng đóng góp giá trị gia tăng lớn.

Dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực kinh tế chủ đạo của Quảng Ninh là du lịch và thương mại. Để duy trì nền kinh tế, Quảng Ninh đã sớm nhận diện được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Từ đó, tỉnh Quảng Ninh tích cực mở cửa đón làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào khu vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Điển hình, vào tháng 9/2020, Quảng Ninh đã tổ chức động thổ Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công - Việt Hưng do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư tại tại KCN Việt Hưng, TP Hạ Long. Tổ hợp được triển khai có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến chế tạo, sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh và thân thiện với môi trường. Đồng thời, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và hướng tới xuất khẩu. Từ đó góp phần phát triển kinh tế theo hướng bền vững mà tỉnh Quảng Ninh đang định hướng trong giai đoạn 2020-2025.

Trước đó, Tập đoàn Foxconn – nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho Tập đoàn công nghệ Apple, Motorola, Nokia và HP… đã đầu tư vào KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên. Sau một thời gian triển khai, cuối năm 2020, Foxconn đã cho ra mắt lô sản phẩm ti vi đầu tiên. Đến năm 2021, nhà máy của Foxconn dự kiến sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD. Đồng thời, để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tại KCN Đông Mai, trở thành doanh nghiệp hàng đầu về giá trị xuất khẩu tại Quảng Ninh, Tập đoàn Foxconn cũng chuẩn bị mở rộng dự án và thu hút các nhà đầu tư.

Hay mới đây, vào cuối tháng 3/2021, công ty Jinko Solar đã chính thức "rót" 500 triệu USD vào KCN Sông Khoai để triển khai dự án tế bào quang điện. Việc Jinko Solar - một trong những nhà sản xuất tấm quang năng hàng đầu, nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu đầu tư vào Quảng Ninh đã tạo động lực tăng trưởng mới cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn đang được xác định là mũi nhọn của ngành công nghiệp.

Theo ông Huang Jinxing - Tổng Giám đốc Jinko Solar tại Việt Nam, Jinko Solar đã khảo sát hơn 20 tỉnh thành, hơn 30 KCN ở Việt Nam. Sau khi phân tích, so sánh với nhiều KCN khác, Jinko Solar đã quyết định lựa chọn KCN Sông Khoai để đầu tư.

Cũng theo ông Huang Jinxing, trước hiệu suất làm việc, cũng như mức độ chuyên nghiệp của tỉnh Quảng Ninh; Jinko Solar tin tưởng địa phương sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang được xác định là mũi nhọn kinh tế của Quảng Ninh

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang được xác định là mũi nhọn kinh tế của Quảng Ninh

Theo các chuyên gia kinh tế, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Bởi Quảng Ninh có hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, các KCN và đường cao tốc. Đặc biệt, hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc đã tạo thành chuỗi dây chuyền, liên kết khép kín.

Như vậy, sự xuất hiện của các dự án công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian vừa qua đã từng bước dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp; phát huy hiệu quả đầu tư và đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong GRDP đạt 15% và đến năm 2030, con số này đạt 20%. Để hiện thực hoá được điều này, địa phương đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh…

Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, quan điểm và định hướng của địa phương là phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến chế tạo. Việc phát triển này có trọng tâm, trọng điểm dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội cũng như lợi thế cạnh tranh của tỉnh và ở các vùng, địa phương, KKT, KCN; đặc biệt là các cơ chế ưu đãi trong các KKT để phát triển KCN và dự án công nghiệp chế biến chế tạo.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh: Mở cửa đón nhà đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714512544 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714512544 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10