Tăng thu thuế: Sao lại đẩy khó cho dân?

Diendandoanhnghiep.vn Trong một nền kinh tế khó khăn, cần “khoan sức dân để làm kế bền gốc”, để tạo động lực cho sự phát triển bền vững, thì phương án tăng thuế của Bộ Tài chính chỉ khiến người dân "còng lưng" thêm.

Trong lúc BOT, y tế, môi trường, giáo dục… - những vấn đề sát sườn của đời sống luôn xảy ra tiêu cực, chưa được giải tỏa hết, thì mới đây đề xuất tăng thu nhiều loại thuế của Bộ Tài chính thêm một lần nữa khiến cho dư luận bức xúc, nhiều chuyên gia không đồng tình.

Bộ Tài chính liên tục đề xuất tăng, thu những loại thuế như: Thu thuế giá trị gia tăng từ 10 lên 12%, tăng thuế môi trường, thu thuế đất và đánh thuế nhà ở trên 700 triệu đồng, thuế ô tô trên 1,5 tỷ đồng… Trong khi đó, mức giảm thuế thu nhập theo đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra lại quá ít ỏi.

Để minh chứng cho những đề xuất của mình, Bộ Tài chính đã đưa ra con số cụ thể từ nguồn thu thuế tài sản của một số nước như: Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD có nguồn thu khoảng 2%, trong đó cao nhất là Canada là 4%, Mỹ là 3%. Tại các nước phát triển, nguồn thu này chiến khoảng 0,6%. Tuy nhiên, các chính sách thuế của các nước phát triển chỉ có mục đích để tham khảo, bởi nếu áp mức thuế thế trên đối với Việt Nam thì hoàn toàn không hợp lý.

Không hợp lý ở đâu, xin mượn lời của Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Bùi Đức Thụ: “GDP bình quân hiện tại của người Việt Nam chỉ 2.000 USD/năm so với thế giới là mức thấp, do đó điều tiết tái phân phối qua thuế thu nhập cá nhân hay tài sản đánh vào từng cá nhân, hộ gia đình cần phải tính toán kỹ. Nâng thuế đánh vào người lao động đang có mức sống chung thấp không khéo đẩy một bộ phận cận nghèo trở về nghèo, người thu nhập thấp trở về cận nghèo”.

Phải nói rằng, chúng ta quá tập trung vào tăng thu là bất hợp lý. Đã vậy, công tác quản lý thu lại quá kém, nợ đọng thuế lên tới 73.000 tỉ đồng, trong đó một nửa không có khả năng thu được… Bản thân Bộ Tài chính đã ngồi lại với nhau để “mổ xẻ” vấn đề chưa?

Hơn nữa, “cái gốc”  của việc Bộ Tài chính tăng thuế là để nuôi đội ngũ cán bộ công viên chức “cắp ô”. Để giảm thuế cho dân, doanh nghiệp thì cần tiến hành cắt giảm biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước thì Bộ lại không làm.

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 đưa ra con số thừa biên chế 57.000 người trong khu vực nhà nước. Tính đến ngày 1/3/1017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước khoảng 4 triệu người (chưa tính Quân đội và Công an). Số cán bộ công chức ở Trung ương là 279.143 người; Ở tỉnh, huyện 2.080.000 người; Ở xã, thôn, tổ dân phố 1.266.000 người.

Tính riêng tại Chính phủ vẫn còn 30 đầu mối số cơ quan trực thuộc bộ và ngang bộ, con số này lớn hơn nhiều các nước trong khu vực như Nhật là 11, Singapore là 15… Ngoài cơ quan trực thuộc bộ và ngang bộ, thì cả nước còn có 42 Tổng cục (gấp 2 lần năm 2011), dưới tổng cục là 826 Cục, Vụ thuộc các tổng cục.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích vấn đề rất sâu sắc, rằng: “Thực tế, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách triền miên ở Việt Nam không phải do việc huy động nguồn thu thuế thấp mà chính là do tham nhũng, thất thoát, lãng phí, kỷ luật tài chính không nghiêm, đầu tư sai; Hoặc đầu tư vì lợi ích nhóm chứ không phải vì cộng đồng hay sự phát triển của đất nước. Nếu không giải quyết cái gốc của vấn đề nằm ở chi tiêu không hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, đầu tư sai... thì dù có tăng VAT lên 12% hay gấp đôi, thu ngân sách dù có phình to ra cũng khó cân đối ngân sách”.

Còn nhớ, cách đây 2 năm, vào đầu năm 2016 đánh giá kết quả hoạt động của Bộ Tài chính trong 5 năm qua. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời trên báo chí rằng, chính sách thu ngân sách đã được áp dụng theo hướng “khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc”.

Mới đây, tại Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS6, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng, cuối tháng 3/2018. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chính phủ Việt Nam có ý định cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20-22% xuống còn 15 – 17%”.

Nếu so sánh giữa quan điểm của Chính phủ và Bộ Tài chính thì đang có sự mâu thuẫn, “trên bảo dưới không nghe” và “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”!?

Thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất. Nó có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần thận trọng và có bước đi, lộ trình cụ thể.

Trong một nền kinh tế khó khăn, cần “khoan sức dân để làm kế bền gốc”, đó là thượng sách tạo động lực cho sự phát triển bền vững. Có điều, chúng ta không nên chọn phương án khiến người dân phải thêm “còng lưng” đóng thuế.

Cho dù Bộ Tài chính có lập luận các khoản thuế được thu để phục vụ như thế nào, thì bản chất của việc đề xuất tăng thuế lần này vẫn là để tăng ngân sách nhà nước. Thật buồn vì Bộ Tài chính lại muốn đẩy cái khó cho người dân, buộc người dân phải gánh chịu các khoản thuế không nên có và chưa nên có!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tăng thu thuế: Sao lại đẩy khó cho dân? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714155404 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714155404 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10