Tìm lời giải cho kinh tế miền Trung

Diendandoanhnghiep.vn Tiềm năng nhiều, lợi thế lắm nhưng bao năm qua kinh tế miền Trung vẫn phát triển chưa tương xứng. Vì sao như vậy và giải pháp nào cho miền Trung “cất cánh”?

Nói về miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví miền Trung giống như một chiếc đòn gánh, nếu như đòn gánh yếu mà 2 đầu lại nặng thì sẽ khó phát triển kinh tế Quốc gia.

“Phát triển kinh tế Miền Trung không chỉ là việc riêng của 14 tỉnh thành, mà còn là việc chung của toàn thể các bộ ngành, cần chưa ra những chính sách, biện pháp để phát triển kinh tế mạnh và bền vững. Làm sao 2 chân không dẫm vào nhau, làm sao đi nhanh mà không vấp ngã? Thủ tướng đặt câu hỏi cho lãnh đạo các tỉnh Miền Trung để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế.”

p/Thủ tướng Nguyễn Xuan Phúc chia sẻ với các đại biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung

Thủ tướng Nguyễn Xuan Phúc chia sẻ với các đại biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải:

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã xác định quan điểm, cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) vùng đảm bảo đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng cũng như tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy các vùng lân cận phát triển. Vùng miền trung là cầu nối về giao thông cho cả nước, đặc biệt là vùng Tây Nguyên và là một trong những cửa ngõ quan trọng kết nối quốc tế (qua hệ thống cảng biển ). Bộ GTVT sẽ ưu tiên đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam, giải quyết các điểm nghẽn kết nối trục ngang để khai thác hiệu quả cảng biển và cửa khẩu quốc tế, đặc biệt kết nối ngang giữa vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Bộ sẽ nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết xây dựng tuyến đường sắt khi cân đối được vốn.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Miền Trung là khu vực đã và sẽ chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu trong khi du lịch biển là ưu thế của khu vực. Do vậy, các cơ quan, địa phương cần nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động du lịch. Đặc biệt, các địa phương cần đề cao tính liên kết trong phát triển du lịch nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề sử dụng tài nguyên, nguồn lực nhằm phát huy lợi thế tổng thể của các địa phương trong vùng. Công tác liên kết cần nhận diện các yếu tố lợi thế của từng vùng, từng địa phương để tạo ra sự kết nối, tận dụng cơ hội phát huy thế mạnh của nhau như hạ tầng, cửa khẩu quốc tế...

Nhiều tiềm năng nhưng…

Miền Trung - địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước gồm 14 tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Thuận là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, kết nối hai miền Nam - Bắc.

Đặc biệt, đây là khu vực hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển ngành du lịch như, biển đảo, sinh thái, văn hóa, núi rừng... Bên cạnh đó, đến nay miền Trung cũng đã có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển khá nhanh và đồng bộ. Không chỉ phục vụ phát triển KT - XH trong khu vực mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây khu vực Đông Nam Á và liên thông với quốc tế, thông qua các sân bay đặc biệt là hệ thống các cảng biển quan trọng như, Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Quy Nhơn…

Tiềm năng thì rất lớn nhưng theo Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng; Trưởng Nhóm Tư vấn phát triển Vùng duyên hải miền Trung thì mặc dù là vùng kinh tế trọng điểm, nhưng do xuất phát điểm thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong phát triển, nên đến nay khu vực này đang là “vùng trũng” phát triển so với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Vấn đề đặt ra là động lực nào để thu hút đầu tư, tạo bước phát triển đột phá đối với những ngành và lĩnh vực có điều kiện phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, nhất là giai đoạn 2021-2030; để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có mức phát triển đuổi kịp 2 vùng kinh tế trọng điểm ở 2 đầu của Tổ quốc; trở thành địa bàn phát triển nhanh và bền vững dựa trên lợi thế kinh tế biển và ven biển trong chiến lược công nghiệp hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn 2045?”, Tiến sĩ Lịch đặt vấn đề.

Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cùng chung quan điểm này khi cho rằng: Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung dù kinh tế tăng trưởng khá nhưng quy mô từng địa phương còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Kinh tế biển chưa tạo được bước đột phá; Môi trường đầu tư kinh doanh tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; Thu hút đầu tư nước ngoài đạt thấp, chưa có các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất;…

Đặc biệt, vai trò “đầu tàu” hỗ trợ, là động lực, sức lan tỏa, liên kết, thúc đẩy các tỉnh trong vùng của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn yếu. Chưa phát huy tốt vai trò các cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hoá của khu vực miền Trung -Tây Nguyên. Vai trò động lực, sức lan tỏa trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn hạn chế.

  Các địa phương trong vùng cần có sự liên kết, hợp tác với tinh thần xây dựng Vùng KTTĐ miền Trung trở thành địa bàn, mà các nhà đầu tư nhìn nhận là nơi “đất lành để chim đậu”.

Ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng hiện nay, vùng kinh tế trong điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Dẫn chứng cho phát biểu của mình, Bộ trưởng Dũng cho biết GRDP đến 2018 của khu vực này chỉ chiếm 6,93% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP thấp hơn cả nước,…

Lời giải nào cho miền Trung?

Một trong những nguyên nhân, khiến kinh tế miền Trung chưa thật sự khởi sắc đó là vấn đề liên kết. Hay nói một cách khác, là do thiếu một cơ chế điều phối đủ mạnh, khiến sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực còn rời rạc, chưa hợp lực để cùng phát triển. Tình trạng “mạnh ai nấy làm”, đang khiến miền Trung phát triển chưa xứng với tiềm năng.

Ông Phan Việt Cường – Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam cho rằng, mặc dù, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có lợi thế kinh tế khá tương đồng, tập trung số lượng hạ tầng cảng biển, sân bay nhiều nhất trong cả nước nhưng cơ chế phối hợp phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng chưa được tổ chức tốt nên chưa phát huy được lợi thế nhờ quy mô. Cũng theo người đứng đầu Tỉnh ủy Quảng Nam thì chính sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, phương thức sản xuất ở các địa phương,… được xem là điều kiện thuận lợi cho quá trình hình thành và phát triển liên kết nhưng đây cũng được cho là những trở lực lớn trước tư duy cục bộ địa phương

“Nhiều hoạt động liên kết kinh tế mang tính lâu dài vẫn chủ yếu nằm dưới dạng văn bản hợp tác mà ít được triển khai trên thực tế”, ông Cường nói

Trước thực tế đó, ông Cường cho rằng để các chủ trương, chính sách liên kết vùng đi vào thực tiễn. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và tăng cường thực hiện thể chế, trước mắt cho thí điểm tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Thứ hai, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hướng tới việc đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội đảm bảo nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững; Thứ ba, đề nghị Chính phủ ban hành các cơ chế và chính sách và các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực mà vùng miền Trung có tiềm năng, lợi thế lớn như: du lịch và dịch vụ biển; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; cảng biển gắn với logistics; ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao...; Thứ tư, sớm triển khai xây dựng quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo Luật Quy hoạch và xem xét điều chỉnh mục tiêu, quy mô của các khu kinh tế, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong quá trình lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Đồng thời nghiên cứu mô hình quản lý các khu kinh tế, mở rộng phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho các Ban quản lý khu kinh tế, bảo đảm cơ chế hành chính "một cửa”.

Là một nhà đầu tư đang thực hiện nhiều dự án tại miền Trung, ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch tập đoàn FLC cho biết: Trong quá trình làm việc trực tiếp tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy đôi khi còn có sự chồng chéo, không thống nhất, dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau đối với cùng một vấn đề trong cùng địa phương và giữa các địa phương với nhau. “Điều đáng tiếc là, sự chồng chéo không thống nhất này khiến chính các địa phương cũng lúng túng trong việc hướng dẫn các quy trình thủ tục cho nhà đầu tư”, ông Quyết nói.

Cũng theo vị này thì, nhiều chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa được triển khai nghiêm túc, dẫn đến việc thực hiện các thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập. Việc doanh nghiệp chờ vài tháng hay thậm chí cả năm để xin ý kiến trả lời từ các Bộ, ngành là điều không hiếm. Những bất cập này gây thiệt hại về vật chất, thời gian, cơ hội và động lực tinh thần của doanh nghiệp; ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu hút đầu tư của địa phương. Điều đáng nói, hầu như chưa có cơ chế quy trách nhiệm trong việc thực hiện tới từng cơ quan, tổ chức và cá nhân trong sự chậm trễ này.

“Bên cạnh việc nâng cao tính minh bạch, công khai về chủ trương chính sách, đẩy nhanh tiến độ xử lý thủ tục sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư; chúng tôi cũng đặc biệt lưu ý đến sự đồng hành, sát cánh của địa phương trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Đặc biệt là những vấn đề không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư; như đền bù, giải phóng mặt bằng; tái định cư, chuyển đổi ngành nghề; thông tin, tuyên truyền cho những đối tượng liên quan..., bàn giao quỹ đất sạch cho doanh nghiệp, góp phần hạn chế tranh chấp, khiếu kiện”, ông Quyết đề xuất.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tìm lời giải cho kinh tế miền Trung tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714146516 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714146516 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10