Vì sao mô hình siêu ứng dụng không "bay cao" được ở Mỹ? (Bài 1)

Diendandoanhnghiep.vn Mặc dù nhiều công ty lớn về công nghệ và thương mại điện tử đã bỏ rất nhiều công sức, thế nhưng vẫn chưa ai có thể mở đường xây dựng được một siêu ứng dụng thành công ở Mỹ.

>>Uber trên con đường thành siêu ứng dụng

Siêu ứng dụng ở Châu Á

Harvard Business Review định nghĩa siêu ứng dụng là “một ứng dụng duy nhất, có thể truy cập bằng thiết bị điện tử hoặc trình duyệt web, cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng cho đời sống cá nhân hoặc thương mại hằng ngày, dựa vào một nền tảng giao dịch tài chính phổ biến và sử dụng dữ liệu nội bộ để điều chỉnh các dịch vụ.”

Định nghĩa này trở nên phổ biến hơn sau sự trỗi dậy mạnh mẽ của WeChat và Alipay ở Trung Quốc. Hiện nay WeChat có 1,2 tỷ người dùng, còn Alipay là 711 triệu. Cả hai đều có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống hằng ngày. Ngoài nhắn tin, người ta dùng WeChat vào nhiều thứ khác như hội họp video, video games hoặc thanh toán trực tuyến. Trong khi đó, Alipay là ứng dụng tài chính tất cả trong một, cho phép người dùng thanh toán quốc tế, chuyển tiền, thậm chí quản trị tài sản và các khoản vay.

Đó là tại Trung Quốc. Châu Á có thể coi là “đất lành” cho các siêu ứng dụng, đặc biệt là Đông Nam Á, nơi các siêu ứng dụng như Grab, GoJek (ở Indonesia là GoTo, GoJek kết hợp ông lớn Tokopedia) hay be của Việt Nam đang rất lớn mạnh và đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Mỹ vẫn loay hoay

Còn ở Mỹ, thời điểm năm 2021, trong bối cảnh điều kiện kinh tế ổn định hơn và có nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, nhiều công ty công nghệ bắt đầu nhúng tay xây dựng siêu ứng dụng. Họ mua lại các dịch vụ và các công ty khởi nghiệp sáng tạo nhằm bổ sung tính năng cho ứng dụng của mình, chẳng hạn mua sắm trực tiếp hoặc đặt chỗ du lịch. Tuy nhiên đến nay, vì tình hình kinh tế đang xấu đi, các công ty Mỹ phải “thanh lý” các thương vụ mua lại này và giảm bớt tham vọng đối với siêu ứng dụng.

Hồi tháng 10, PayPal phải bán lại Happy Returns cho UPS. Hai năm trước, PayPal mua Happy Returns, một nền tảng tiếp vận xử lý hàng hoàn, nhằm đầu tư cho chiến lược mở siêu ứng dụng. Tuy nhiên đến nay, họ phải bán Happy Returns và tái tập trung vào mô hình kinh doanh cốt lõi của mình.

PayPal không phải là trường hợp duy nhất. Hồi tháng 7, Affirm quyết định đóng cửa Returnly, một công ty chuyên xử lý hàng hoàn mà họ mua lại từ năm 2021 với giá 300 triệu USD, và hợp tác chiến lược với một công ty xử lý hàng hoàn khác có tên Loop.

Tuy nhiên vẫn có những công ty khác tiếp tục theo đuổi mục tiêu siêu ứng dụng. Hồi năm ngoái, CEO Meta Mark Zuckerberg chia sẻ tầm nhìn về WhatsApp, với con đường phát triển rất giống một siêu ứng dụng. Theo đó, Zuckerberg cho biết Meta muốn người dùng có thể tìm kiếm, nhắn tin, mua hàng ngay trên WhatsApp, rất giống với hình mẫu WeChat của Trung Quốc.

Hoặc khi mua X (Twitter), Elon Musk cũng hé lộ kế hoạch biến ứng dụng trở thành một “ứng dụng của mọi thứ”, tương đương với WeChat của Trung Quốc. Tuy nhiên đến giờ X vẫn chưa được tích hợp bất kỳ tính năng thanh toán hoặc ngân hàng nào.

Một trường hợp gần gũi hơn là Uber. Uber là “ông tổ” của mô hình gọi xe. Grab hay GoJek được coi là “bản sao” của Uber ở Châu Á. Nhưng sau đó Grab và GoJek đã rất nhanh mở rộng, tích hợp rất nhiều tính năng vào ứng dụng của mình để trở thành siêu ứng dụng.

Lúc này, Uber lại rất muốn trở thành bản sao của hai đàn em của mình. Lãnh đạo Uber cũng công khai tuyên bố chiến lược trở thành siêu ứng dụng của mình. Trong vài năm trở lại đây, Uber rất tích cực tích hợp thêm nhiều dịch vụ mới như giao đồ ăn (Uber Eat), đặt phòng khách sạn hay thậm chí là gọi cả trực thăng hay gọi thuyền.

Tuy nhiên, hầu như tất cả các dịch vụ này vẫn đang dừng ở mức thử nghiệm. Dịch vụ ban đầu tưởng rất tiềm năng, được đầu tư khá nhiều là Uber Eat thì giờ lại chững lại và có nhiều dấu hiệu khó khăn. Con đường lên siêu ứng dụng của Uber có vẻ vẫn còn xa.

Mặc dù nhiều ứng dụng tại Mỹ có thể cung cấp cùng lúc nhiều dịch vụ cho khách, nhưng chưa có cái nào thực sự đúng với chuẩn một “siêu ứng dụng”. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản tham vọng từ các doanh nghiệp. Vẫn có nhiều doanh nghiệp TMĐT tìm cách chứng minh rằng ứng dụng của họ có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, bất chấp việc đến cùng chúng vẫn chẳng có gì giống với các siêu ứng dụng làm mưa làm gió ở Châu Á.

Nhiều nhà phân tích nói rằng thị trường Mỹ không có nhiều điều kiện thích hợp cho siêu ứng dụng như các thị trường khác. 

Còn nữa...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao mô hình siêu ứng dụng không "bay cao" được ở Mỹ? (Bài 1) tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714382903 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714382903 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10