"231 cái tát" và bài học cho phụ huynh dạy con tự bảo vệ mình!

Đ.K. Hà 27/11/2018 11:35

Vụ việc cô giáo chủ nhiệm bắt học sinh tát bạn 231 cái ở Quảng Bình khiến phụ huynh cả nước đang sục sôi phẫn uất.

Phụ huynh bức xúc. Nhưng rất có thể, chỉ thời gian ngắn nữa thôi, chúng ta sẽ lại phải tiếp tục phẫn nộ.

Bởi nhìn lại, mới tháng trước, người ta đã sục sôi vì cô bắt học sinh tự tát 32 cái. Trước đó nữa, cô yêu cầu hai học sinh tự tát nhau đến sưng mặt, nào thầy hiếp dâm trò vị thành niên, nào cô bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng…

Trường THCSp/Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình)

Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình)

Bức xúc liên tiếp. Rõ ràng, lên tiếng đấu tranh là cần thiết, nhưng xem chừng chưa đủ. Và trong khi chờ Bộ GDĐT vẫn tiếp tục tìm giải pháp, tiếp tục cải cách, theo cái cách thiếu hiệu quả như hàng năm vẫn diễn ra, có lẽ phụ huynh cũng nên tính cách khác.

Chúng ta cần hỏi lại, sao những chuyện này có thể xảy ra với cả lớp và trước cả lớp?

Học sinh đều ở bậc tiểu học đến trung học, không còn là các em bé chưa biết nói. Tại sao các em đều thấy đó là sai trái nhưng im lặng chấp nhận?

Học sinh đã sợ hãi thầy cô quá mức hay đã quá yếu đuối, mất khả năng phản kháng vì cảm thấy mình không được bảo vệ?

Tại sao hầu hết trường hợp cha mẹ đều biết rất muộn?

Có lẽ sẽ hiệu quả hơn, thiết thực hơn, nếu phụ huynh chúng ta chuyển hướng sang thay đổi chính mình và con em mình. Hãy tăng cường dạy cho các con về lòng tự trọng, về sự nhân ái, về lẽ phải, và quan trọng nhất là, trang bị cho các con hành trang để tự bảo vệ chính mình.

Bằng cách nào? Có rất nhiều lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý, giáo dục trong những trường hợp tương tự, và sau đây là một số cách có thể làm ngay:

Hãy dạy con dũng cảm nói "KHÔNG" khi cần thiết. Dạy cho con thế nàođâulà giới hạn của hành vi xúc phạm nhân phẩm. Kiên quyết không thực hiện những gì con cho là xấu. Không để ai xúc phạm đến thân thể cũng như nhân phẩm của mình, bất kể người đó là bạn bè, người quen, thầy cô, hiệu trưởng, hay một kẻ quyền lực nào khác.

Ngược lại, cũng không cho phép mình được xâm phạm thân thể và xúc phạm, đánh đập người khác nếu mình không bị tấn công. Chỉ cần chuẩn bị cho con câu trả lời chung với một thái độ bình tĩnh, đúng mực nhưng dứt khoát: “Xin lỗi con thấy việc này là sai, con từ chối thực hiện. Nếu thầy/cô không chấp nhận, xin hãy liên lạc với ba mẹ con để trao đổi thêm.”

Cô Nguyễn Thị Phương Thủy - Chủ nhiệm lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh

Cô Nguyễn Thị Phương Thủy - Chủ nhiệm lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh

Hãy cho các con tuổi thiếu niên non nớt được ‘đẩy’ quyền xử lý và phân xử sự việc về phía mình! Đừng để con phải chấp nhận làm những việc vô đạo đức chỉ vì con không biết rằng, phía sau mình sẽ có ba mẹ hỗ trợ và can thiệp.

Hãy dạy con biết phản ứng. Những con tát bạn đã không phản ứng, những con chứng kiến bạn bị uống nước giặt giẻ không phản ứng, nhưng thật đáng buồn và đáng thương, ngay cả con bị tát và con bị uống nước bẩn cũng không dám bỏ chạy nữa! Trẻ em tội nghiệp của chúng ta sao yếu đuối đến mức này.

Ba mẹ cần ‘võ trang’ cho các con. Hãy dạy các con, khi nói ‘KHÔNG’ không được, phải tìm cách bỏ chạy, tìm cách lên phòng hiệu trưởng nếu ở trường, hay chạy đến nơi có nhiều người lớn khác nếu ở ngoài đường, không chạy được thì kêu cứu, la hét om sòm lên, đòi gọi điện nói chuyện với ba mẹ trước khi thực hiện…

Hãy đặt ra các tình huống với nhiều cấp độ và gợi ý cho con cách xử lý khác nhau, nhưng nhất định là, với những hành vi tra tấn có tính chất dã man, có thể khiến tổn thương suốt quãng đời ấu thơ, đừng để con của mình phải cay đắng chịu đựng như vậy.

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi tố vụ cô giáo ra lệnh tát học trò 231 cái

    Khởi tố vụ cô giáo ra lệnh tát học trò 231 cái

    13:48, 26/11/2018

  • Những cái tát không dành cho riêng ai

    Những cái tát không dành cho riêng ai

    12:01, 24/11/2018

  • Vụ cô giáo ra lệnh tát học trò 231 cái:

    Vụ cô giáo ra lệnh tát học trò 231 cái: "Cao trào" của phản giáo dục!

    06:00, 27/11/2018

Hãy trò chuyện cùng con mỗi ngày. Đây là lời khuyên chung cho tất cả các tình huống, cho tất cả các lứa tuổi của trẻ từ bé đến lớn. Nhưng để tránh những trường hợp tương tự như trong bài này, việc trò chuyện cùng con càng trở nên quan trọng.

Đôi khi nhân vụ việc nào đó xảy ra trên báo chí, hãy hỏi thăm trường con có bạn nào bị kiểu như vậy hay không? Khi các con mắc lỗi, thầy cô giáo thường xử lý như thế nào, phạt như thế nào? Thầy cô nào được các con yêu và bị các con ghét, tại sao lại như vậy?

Hãy lắng nghe con, để phân tích, và hướng dẫn con. Hãy dặn con gặp chuyện gì cũng nhất định phải chia sẻ với ba mẹ, ba mẹ sẽ luôn bên con và hỗ trợ cho con.

Làm điều này hàng ngày, không chỉ khiến gia đình gần gũi hơn, mà các con của bạn cũng không bao giờ phải ấm ức hay phải chịu đựng giáo dục phản sư phạm ở trường nữa.

Còn rất, rất nhiều những lời khuyên khác, những cách thức khác. Tất nhiên rồi, làm cha mẹ cũng là một việc hết sức khó khăn và cần học hỏi thêm rất nhiều.

Nhưng tựu chung lại, chúng ta không thể chỉ trông chờ hoàn toàn vào thầy cô. Chúng ta hãy chủ động nắm tay con, đồng hành cùng con bằng những bài học nhân văn trong đối nhân xử thế, trong cách nhìn nhận cuộc sống, trong mục đích sống, và đặc biệt trong cả thái độ sống.

Đừng để các con cô đơn trong công cuộc học làm người!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"231 cái tát" và bài học cho phụ huynh dạy con tự bảo vệ mình!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO