Khi biên chế là “thần hộ mệnh”

Diendandoanhnghiep.vn Năng lực con người là một quá trình không xác định thời gian. Vì vậy, không thể phó thác cho một kỳ thi đầu vào và một tờ quyết định có giá trị vĩnh viễn!

Anh bạn tôi là một kỹ sư bảo trì cho hãng xe nổi tiếng châu Âu, nhận lương ngàn "đô" nhưng chưa bao giờ anh thấy “an toàn” với công việc hiện tại. Cứ 6 tháng, chi nhánh ở Việt Nam tiến hành sát hạch tay nghề một lần, dưới sự đánh giá của những nhà quản lý nhân sự, kỹ thuật người nước ngoài.

Ai không vượt qua được bài test, tức là năng lực đã tới hạn, họ giải quyết chế độ một cách ưu đãi rồi chấm dứt hợp đồng. Ở đó không có chuyện “lính buổi mai cai lính buổi hôm”. Hôm nay là trưởng nhóm, ngày mai có thể thất nghiệp!

Mặc dù “bấp bênh” nhưng đợt tuyển dụng nào cũng tiếp nhận hàng trăm hồ sơ sáng lóa, người lao động chấp nhận điều đó để kiếm được số tiền “một tháng bằng một năm”.

Để trụ lại, không còn cách nào khác ngoài thể hiện năng lực và sự sáng tạo trong công việc, mọi “mối quan hệ” không có ý nghĩa gì cả.

“Gắng mà học, không thì cuốc đất cả đời…”, “Lo học đi sau này sướng cái thân…”, rất nhiều phụ huynh đã nói với con em mình như vậy. Không “cuốc đất” và “sướng cả đời”? Có nghề gì đáp ứng mong mỏi thơm lừng ấy?

Học giỏi, trở thành kỹ sư, bác sĩ, có “sướng cái thân” hay không khi phải vật lộn với bụi bặm, ăn cơm công trình, với muôn vàn áp lực giữa cái chết và sự sống?

Học giỏi, trở thành doanh nhân, là nhàn hạ ngồi thu tiền? Không hề đơn giản chút nào, người thành công phải hy sinh xương máu, tuổi xuân, kẻ thất bại có khi bóc lịch chốn lao tù.

Học giỏi trở thành nhà khoa học, như vậy là sướng? Cũng không hề dễ xơi một chút nào, vì đó là ngành nghề phải vắt kiệt bộ não, làm việc cả ngay trong… giấc ngủ!

Cần nhìn vào mặt trái của biên chế trọn đời (Ảnh: thanhnien.vn)

Cần nhìn vào mặt trái của biên chế trọn đời (Ảnh: thanhnien.vn)

Vậy gắng học để sướng thân chỉ khi và chỉ khi trở thành “con nhà nước”, nhận lương đều đặn từ nguồn tiền thuế vô tận, có lương hưu đúng nghĩa, công việc nhàn hạ, ít áp lực, quần áo là lượt lại được tiếng có vị thế trong xã hội, “tay cầm quyết định đời đời ấm no”.

Kiếm một suất biên chế nhà nước là mục tiêu của nhiều người, họ xem đó là thứ thành công nhất trong nhiều thứ thành công ở đời. Mặt trái của biên chế có nguyên nhân từ đó. Nếu ngại thay đổi, cứ trở thành cán bộ nhà nước!

Với cơ chế vận hành mang tên “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” đã trở thành bình phong che chắn, dung nạp tất cả, ít ai thấy mình có lỗi khi làm sai, vì tập thể lãnh đạo, cũng khó quy trách nhiệm cá nhân vì trên họ là vô số đầu mối chỉ đạo, điều hành.

Bởi thế mà hiếm thấy ai bị sa thải do yếu kém năng lực, vô số sự chây ì, kém cỏi có cơ hội tồn tại. Khi còn là Bộ trưởng TT&TT ông Lê Doãn Hợp nói rằng: “30% còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ” (sau khi đã trừ đi 30% sáng cắp ô đi tối cắp ô về).

Làm nhà nước ai cũng kêu lương ba cọc ba đồng, nhưng mấy ai bỏ ra đâu? Thậm chí bộ máy nhân sự càng giảm càng phình, không có cách nào tinh gọn mặc dù chính họ tuyển vào!

Hiến kế giải quyết vấn đề nhức đầu này, chuyên gia Phạm Chi Lan chỉ rõ: “Chỉ có một cách thôi. Đó là bỏ hẳn biên chế đi. Chuyển sang chế độ hợp đồng lao động. Đây không phải là vấn đề gì mới mẻ. Trong vòng 20 năm trở lại đây các chuyên gia đã nói nhiều rồi”.

Mắc mớ trước tiên được chỉ ra là, do khâu đánh giá cán bộ có vấn đề, cuối năm ai cũng có giấy khen thì ai là người không hoàn thành nhiệm vụ? Không phải một lần, Luật quy định: “Viên chức hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ mới bị cho thôi việc”.

Tôi từng biết lãnh đạo một đơn vị hành chính nọ yêu cầu “giảm hồ sơ khen thưởng hàng năm” vì quá nhiều, làm hao hụt ngân sách địa phương.

Rất khó nghĩ nếu như trong một đơn vị nhà nước, ai ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, đều đặn nhận bằng khen, giấy khen mấy chục năm liên tục cho đến khi về hưu, trong khi năng suất lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất!

Quá trình nhiêu khê trong đánh giá nhân sự theo kết quả công việc trong cơ quan nhà nước khiến nhiều người ỷ lại, nỗ lực cũng tốt, không nỗ lực cũng chẳng sao, lương vẫn nhận đều đặn, nước nổi bèo trôi.

Bỏ biên chế nhà nước? Đó là luồng ý kiến gây rúng động, nhưng cần phải thực hiện, để người lao động phải biết lo sợ vị trí của mình, từ đó phải làm việc hiệu quả và chấp nhần rời bỏ nếu không đủ năng lực, phẩm chất.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều đại biểu gợi lại vấn đề bỏ biên chế khi thảo luận Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.

Sức mạnh của mọi tổ chức chính là con người, quá trình sàng lọc, đánh giá, chọn lựa con người là một quá trình - không phải chỉ một kỳ thi đầu vào và một quyết định có giá trị đến lúc chết.       

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Khi biên chế là “thần hộ mệnh” tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1715118309 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1715118309 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10