Văn hóa giao thông Việt Nam - Trông người lại ngẫm đến ta

Diendandoanhnghiep.vn Xây dựng sự tử tế khi tham gia giao thông đi kèm với hình phạt thật nghiêm minh thì mới hạn chế được vụ việc gây bức xúc dư luận.

>> "Bếp ăn tử tế" và trách nhiệm cộng đồng

Thường xuyên di chuyển đi Hà Nội theo hướng từ cầu cao tốc Hải Phòng - Hà Nội qua cầu Vĩnh Tuy vào thủ đô, tôi khá quen thuộc với đường nội đô Hà Nội. Quả thực, đường vành đai 2 giúp cho việc di chuyện về mạn Ngã Tư Sở nhanh chóng, thuận tiện hơn rất nhiều với gần 6km không phải lo tránh xe máy, xe thô sơ với tốc độ 80km/h, đoạn cầu nhánh 60km/h. Nhưng cũng không ít lần tôi gặp xe máy chạy trên tuyến đường này, có lần cả xe máy chạy ngược chiều với ô tô luôn, chứng tỏ việc tuân thủ luật giao thông ở ngay tại thủ đô chưa được nghiêm minh.

Ảnh cắt từ clip ghi lại vụ việc xảy ra trên đường Vành đai 2 trên cao.

Ảnh cắt từ clip ghi lại vụ việc xảy ra trên đường Vành đai 2 trên cao ngày 25 tháng 2 năm 2024.

Chính vì chưa nghiêm minh nên mới có vụ việc ngày 25 tháng 2 năm 2024 trên đường vành đai 2, khi chị T.A lái ô tô từ cầu Vĩnh Tuy sang hướng Ngã Tư Sở bị hai thanh niên đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm, liên tục lạng lách, đánh võng, tạt đầu. Hai thanh niên còn đạp vào hông xe, phanh gấp ngay trước đầu xe, chị xử lý kịp thì hai thanh niên đi xe máy biển số: 29H-47496 tự đẩy đổ xe rồi chửi bới, doạ giết. Chị phải hét lên là đang báo cảnh sát. Sau đó có xe ô tô đi cùng chiều vượt lên, hai thanh niên tiếp tục lái xe gây cản trở, liên tục gây hấn. Xe dừng, tài xế xuống xe và hai bên đánh nhau gây lên vụ việc khá ầm ĩ, với tôi không coi đó là điều bất ngờ.

Ngày 27 tháng 2 năm 2024, Công an quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội triệu tập T.V.H (người lái xe SH) và T.T (người ngồi sau) đến cơ quan công an làm việc với các hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng vi phạm Luật Giao thông đường bộ như đi vào đường cấm xe máy, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng gây nguy cơ phát sinh tai nạn. Hành vi chặn đầu xe ô tô hành hung người tham gia giao thông trên xe ô tô sẽ thêm tội “Gây rối trật tự công cộng”, “Cố ý gây thương tích”, “Cố ý phá hoại tài sản”, người gây rối sẽ đối diện với hình phạt thích đáng.

Vấn đề là văn hoá giao thông ở Việt Nam đang tỉ lệ nghịch với số phương tiện hiện đại như ô tô và cơ sở hạ tầng. Khi đường xá cầu cống bây giờ liên tục được xây thêm, mở mới, lượng phương tiện cơ giới tham gia giao thông càng nhiều thì cách hành vi ứng xử trên đường lại càng kém đi. Việc lấn làn, vượt ẩu, không nhường nhịn nhau trên đường, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn rất nhỏ khi va chạm giao thông trở thành chuyện thành ngày ở huyện.

Nếu so sánh về mật độ xe hơi, Việt Nam chưa thể bằng Nhật Bản, nói về sự đông đúc Hà Nội chưa thể đông đúc như Bắc Kinh. Nhưng ở Nhật Bản, ngồi lên xe là họ đạp thẳng ga phóng rất nhanh, nhưng lại rất an toàn vì đường ai nấy đi, đúng lề lối trật tự, đến ngã tư họ tuân thủ việc nhường đường cho người đi bộ, sẵn sàng xuống xe để hỗ trợ người già, trẻ em đi qua ngã tư. Ở Nhật rất lâu cũng khó nghe thấy một tiếng còi xe. Ở Bắc Kinh, giờ cao điểm xe chật như nêm, nhưng làn đường khẩn cấp vẫn y nguyên không có xe nào chạy lấn vào đến vạch kẻ phân làn. Họ cũng dân châu Á, máu đỏ da vàng, tại sao họ sẵn sàng xoè tay mời nhau đi trước ở ngã tư, còn chúng ta lại sẵn sàng ra tay hành hung với đồng bào của mình chỉ vì va chạm giao thông?

Rất nhiều ý kiến hả hê khi hai thanh niên đi xe SH bị hai tài xế đi ô tô đánh trả và bị công an bắt giữ đối diện án tù, với tôi lại suy nghĩ khác. Điều cần làm là xây dựng ý thức khi tham gia giao thông để đảm bảo thuận tiện an toàn, với hành động vi phạm phải bị xử lý thật nặng bằng luật pháp chứ không thể xử lý bằng cảm tính như vậy là khuyến khích cho xã hội thêm loạn.

Xét một cách công bằng, dù không tin được lời khai của hai người đi xe máy: họ bị người đi xe ô tô nhổ nước bọt vào người nên đuổi theo truy vấn, họ thấy người phụ nữ lái xe quay lại bằng điện thoại chạy theo đòi xoá đoạn phim đã quay, thì việc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại quay phim của nữ tài xế liệu có là hành vi an toàn? Việc hai người trên xe ô tô đánh nhau với hai người đi xe máy có thể gây cảm giác hả hê nhất thời cho một số người, nhưng nếu đó là tiền lệ thì pháp luật không còn công bằng và sức mạnh nữa mà là “mạnh được yếu thua”, trước khi con em ra đường tham gia giao thông phải cho con em mình... học võ?

Không. Điều cần làm là tuyên truyền giáo dục đào tạo về văn hoá giao thông từ sớm, ngay trong trường phổ thông, vì ai rồi cũng sẽ lớn, sẽ tham gia giao thông. Xây dựng sự tử tế khi tham gia giao thông đi kèm với hình phạt thật nghiêm minh thì mới hạn chế được vụ việc tương tự. Cứ buông xuôi không hành động thì văn hoá giao thông Việt Nam bao giờ mới được bằng người. Hãy dạy con em mình khi đồng hành trên đường cách ứng xử văn minh lịch sự. Hãy suy nghĩ người đi trên đường đều là đồng bào, là người dân nước mình, biết đâu đấy chính là anh em họ hàng mà ta chưa biết thì mọi chuyện sẽ êm đẹp đi nhiều.

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Văn hóa giao thông Việt Nam - Trông người lại ngẫm đến ta tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714221657 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714221657 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10