Chung kết U23 châu Á: Việt Nam thắng hay thua thì vẫn... rợp trời cờ hoa!

Diendandoanhnghiep.vn Có quá nhiều kịch tính: Náo nức. Hồi hộp. Căng thẳng. Nghẹt thở. Rồi vỡ òa. Cả đất nước mừng vui nối tiếp vui mừng khi đội tuyển Việt Nam viết nên câu chuyện thần kỳ... vào sâu đến trận chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á.

Chưa bao giờ trái bóng tròn truyền cảm hứng cho người Việt lắm đến thế, và cũng chưa bao giờ người Việt lại yêu bóng đá Việt nhiều đến vậy.

Ảnh: Quốc Tuấn.

Tràn ngập cờ hoa và... bóng đá. Người Việt có những lý do để mở tiệc lớn hoặc đổ ra đường ăn mừng Đội tuyển bóng đá U23 của mình chiến thắng, mà có lẽ các đối thủ Australia, Iraq, Qatar và cả nước chủ nhà Trung Quốc chưa hiểu hoặc không hiểu nổi. 

Vượt qua U23 Iraq ở trận tứ kết, rồi lại tiễn Qatar xách va ly về nước ở trận bán kết, U23 Việt Nam đã viết nên chuyện cổ tích của làng bóng đá Việt Nam. Các chàng trai trẻ đẹp ngời ngời đã làm cho cả đất nước thành biển người ngập tràn cờ đỏ sao vàng. Người hâm mộ bóng đá Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn... xuống đường truyền cảm hứng lớn cuốn theo cả những người vốn thờ ơ, hờ hững bóng đá vào cuộc vui cũng... xuống đường. 

Reo hò. Gõ mâm. Đánh trống. Bóp còi. Tuần hành... Dĩ nhiên là tắc đường, là mất trật tự, và phá mọi quy tắc giao thông ngày thường, song vẫn còn kiểm soát được để cuộc vui trọn vẹn. Đêm dường như đẹp hơn các đêm khác. Hà Nội không quá rét còn Sài Gòn cũng không quá nóng để các dòng người bất tận; lớn cầm quốc kỳ to, bé cầm quốc kì nhỏ đổ về trung tâm ăn mừng chiến thắng. Người xa lạ giơ tay qua dải phân cách bắt tay, nụ cười, và tiếng reo hò nối liền khoảng cách làm cho con người quên hết nhọc nhằn, lấm láp mưu sinh, để gần nhau hơn. Cả nước đã có những đêm không ngủ cùng bóng đá Việt.

Lý do nào khiến người Việt phát cuồng lên với bóng đá Việt?

Xét đến cùng, và công bằng, khách quan mà nhìn lại bóng đá Việt Nam vẫn ở vùng trũng của thế giới. Thì đây: từ năm 2001 tham gia tranh tài khu vực ở Sea Games, thành tích cao nhất của Đội tuyển U23 Việt Nam cũng chỉ đạt Á quân, chưa bao giờ lên đỉnh vô địch.

Năm 2013, U23 Việt Nam không vượt qua vòng loại Giải vô địch bóng đá U23 châu Á. Năm 2016, chật vật, loay hoay mãi mới nhích lên một bậc được xếp thứ 15/16 đội dự giải...

Bóng đá U23 nói riêng và Bóng đá Việt Nam nói chung bao nhiêu lần làm cho người hâm mộ hy vọng rồi lại thất vọng. Cộng với chuyện lục đục ở Liên đoàn bóng đá, với chuyện các cầu thủ bán độ, hay dàn xếp tỷ số...; bóng đá không còn là thuần bóng đá, mà đã là bóng đá mưu sinh và nỗi buồn nước mắt. Tôi không phủ nhận thành tựu của nền bóng đá Việt Nam được xây đắp bằng mồ hôi, nước mắt của bao nhiêu thế hệ cầu thủ, song sự thật đi đến tận trận cuối cùng của đấu trường châu Á, thì các thế hệ cha ông chưa làm được.

Vậy mà chỉ đến U23 Việt Nam trên đấu trường châu Á mới: Chói sáng. Bùng nổ. Bóng đá Việt Nam đã thay đổi thân phận, mang gương mặt khác, cuộc đời khác. Huấn luyện viên Park Hang Seo đội tuyển nói rằng: "Trước khi giải đấu bắt đầu, tôi đã nói U23 Việt Nam là một đội bóng đặc biệt, và họ đặc biệt ở tinh thần thi đấu. 23 cầu thủ của tôi là những chiến binh. Tôi đã nói với người hâm mộ rằng họ sẽ không phải thất vọng". U23 Việt Nam giàu bản lĩnh, kiên cường, kỹ thật tốt đã chiến thắng bằng nội lực chính mình. Họ mang vinh quang không chỉ cho nền bóng đá Việt mà cho cả  đất nước hình chữ S quá nhiều bão giông, mồ hôi và nước mắt.

Bóng đá vốn là một môn thể thao đầy bất ngờ và kịch tính. Nó có thể biến hóa đến mức thắng thành thua, thua thành thắng, đội yếu lật nhào đội mạnh, đội khổng lồ vô địch thành chú bé tí hon trên sân cỏ với đội bị loại lần trước. Song kịch tính và bất ngờ như các trận mà cầu thủ U23 Việt Nam thi đấu thì chỉ có một không hai trong lịch sử bóng đá Việt trước mắt người Việt. Kịch tính ở chỗ cả trận tứ kết với Iraq và bán kết với Qatar, U23 Việt Nam với hai đối thủ đều đeo bám tỷ số để phải đá hiệp phụ. Hiệp phụ cũng không giải quyết được, mà phải đá luân lưu. Ở trận bán kết, đội U23 Qatar đang dẫn trước U23 Việt Nam 2-1 và chỉ ít phút nữa là tiếng còi trọng tài vang kết thúc trận đấu thì đến phút thứ 89, các cầu thủ Việt Nam dũng mãnh bồi một quả vào lưới thủ thành đối phương, gỡ hòa 2-2. 

Kịch tính còn ở chỗ cả hai trận tứ kết và bán kết U23 Việt Nam đều bị trọng tài xử ép. Các cầu thủ Việt đấu với Iraq, sau bàn thắng của Công Phượng và giữ nguyên tỷ số đến phút cuối cùng rồi ca khúc khải hoàn, thì niềm vui của đất nước cũng dào dạt trào dâng như thủy triều. Song sẽ không kịch tính và nóng bỏng khi trọng tài bắt quả phạt Việt Nam.

Khán giả không ai muốn (có mà điên) “vua sân cỏ mặc áo đen” cầm còi xử ép đội nhà để được trải nghiệm kịch tính. Vậy mà, ở trận tứ kết với Iraq, U23 Việt Nam đã không dưới 2 lần bị trọng tài Christopher Beath người Australia đưa ra quyết định sai, bất lợi. Trong đó có tình huống, ông ta biếu không U23 Iraq quả phạt 11m giúp họ có bàn gỡ hoà 1-1. Kịch tính đẩy thêm kịch tính, không có chuyện thổi phạt không đáng thổi này, sẽ không có hai đội đeo bám như hình với bóng, sẽ không thót tim, sẽ không bất ngờ vỡ òa, tưng bừng sục sôi, sẽ không căng thẳng hồi hộp khi trận đấu phải đá luân lưu để phân biệt thắng thua, sẽ không nhảy cẫng lên khi... toàn thắng.

Tưởng rằng đến trận sau, “vua áo đen cầm còi” sẽ vô tư trong sáng, nhưng trong trận đấu với Qatar lại nảy nòi ra trọng tài Muhammad Taqi người Singapore thổi phạt đền bất lợi cho U23 Việt Nam. Vậy là, các cầu thủ Việt không chỉ đấu với cầu thủ Iraq, Qatar và còn phải “đấu” với cả trọng tài. 

Cũng như một dân tộc cần có lãnh tụ tài cầm lái con thuyền quốc gia đi đến đích hạnh phúc, văn minh. Lịch sử tạo nên anh hùng, đến lượt anh hùng lại làm nên lịch sử. Vai trò cá nhân trong lịch sử là không thể phủ nhận.

Trong nghệ thuật quân sự thì “Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Ông Park là một Tổng Tư lệnh cầm quân tài tình. Phải chăng ông Park quá hiểu các đối thủ của mình, và càng hiểu các cầu thủ của ông? Dĩ nhiên! Trước lúc ra quân, đã biết đội mình chiến thắng. Bởi ông Park hiểu từng sở trường, sở đoản của từng cầu thủ. Ông biết đặt họ đúng vị trí, và xuất hiện đúng thời điểm. Cũng dàn cầu thủ Việt ở khắp nước, có giai đoạn cả một dàn cầu thủ thế hệ vàng như Hồng Sơn, Huỳnh Đức..., cũng nhiều huấn luyện viên ngoại quốc như: Karl Weigang, Colin Murphy, Alfred Riedl, Edson Tavares, Toshiya Miura... xoay sở nhưng cũng đành bất lực, bóng đá Việt có nhúc nhích lên chút ít rồi lại xuống.

Chỉ đến Park Hang Seo mới phát hiện ra tiềm năng cầu thủ khơi nguồn và kích hoạt lên thành sức mạnh vượt trội của họ, không chỉ dẫn dắt họ đá theo chiến lược chiến thuật của mình, mà còn để cho họ ngẫu hứng đầy sáng tạo. Park là cái đầu của mọi cái đầu, là huấn luyện viên hoàng đế của mọi huấn luyện viên bóng đá Việt. 

Hình ảnh và thành công tài tình của ông Park khiến tôi nghĩ đến những tổ chức và cơ quan làm ăn be bét, lê nhê, nội bộ lủng củng, cơ đồ tan nát là do người đứng đầu tài hèn sức mọn, tâm tối đen không biết phát huy nội lực, chẳng biết sử dụng nhân tài. Xem đội bóng U23 Việt Nam và nghĩ đến huấn luyện viên Park Hang Seo thì sẽ rút ra được những bài học bổ ích về công tác cán bộ, sử dụng tài năng, khơi nguồn sức mạnh.

Nói đi rồi nói lại. Nghĩ trước rồi nghĩ sau. U23 Việt Nam hôm nay là một hiện tượng bóng đá nước nhà, truyền cảm hứng cho hàng triệu con tim và tấm lòng. Nhưng, niềm vui và cảm xúc được đẩy lên quá cao như thế, bởi ngày thường chúng ta hiếm hoi niềm vui nỗi mừng, trong khi lại tràn ngập nỗi buồn, thậm chí có lúc hoang mang.

Năm 2017, dù có 13 chỉ tiêu kinh tế, xã hội hoàn thành, GDP tăng 6,7% thì  cũng là một năm ngổn ngang bề bộn, những ngày cuối năm âm lịch dồn dập các vụ đại án dầu khí, ngân hàng... đem ra xét xử và nhiều vị tai to mặt lớn bị xộ khám, nhiều quan chức cấp tỉnh bị kỉ luật,... BOT giao thông và nạn kẹt xe, hỗn loạn trên đường phố với chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền, một cuộc sống ngập ngụa thực phẩm độc hại, một vấn nạn tham nhũng tràn lan...

Vậy nên, chiến thắng của U23 ở đấu trường bóng đá châu Á thực sự khơi dậy cảm hứng mới sôi nổi ào ạt của người Việt. Nó lấn át cái u uất thế sự, nó mang lại niềm vui dù là chốc lát cho nhiều người. Yêu bóng đá với màu cờ sắc áo cũng là một cách  biểu hiện yêu nước. Nó chứng tỏ sức mạnh tiềm tàng của dân tộc vẫn đang ấn giấu, che khuất và chỉ cần một cái đầu sáng láng kích hoạt sẽ biến thành sức mạnh vô địch có thể chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm, và vượt qua đói nghèo đưa nước ta tiến tới hạnh phúc, văn minh. 

Xưa nay vẫn có lối ứng xử không đẹp của một bộ phận người Việt Nam là: Thắng khen bốc giời. Thua chửi vùi rập xuống bùn đen. Lần này thì khác! Khen nhiều rồi. Song không bốc giời vì chiến thắng của U23 thực chất, hoàn toàn thuyết phục. Và, nếu như trận chung kết các cầu thủ của chúng ta... thua, chỉ đạt ngôi Á quân thì cũng không có lời chê. Các cầu thủ như Bùi Tiến Dũng thủ môn huyền thoại, Bùi Tiến Dũng tiền vệ nữa, rồi Công Phượng, Văn Đức, Duy Mạnh, Đức Chinh... đã làm nên câu chuyện thần kỳ cho bóng đá Việt Nam. Cả nước đã chuẩn bị chào mừng, đón những chiến binh trẻ anh hùng trong bóng đá trở về trong vòng tay nồng nàn và rợp trời cờ hoa.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chung kết U23 châu Á: Việt Nam thắng hay thua thì vẫn... rợp trời cờ hoa! tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714980671 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714980671 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10