Góc nhìn thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được (Bài 3): Đâu là giải pháp?

Diendandoanhnghiep.vn Cách tốt nhất để quản lý kinh tế chưa quan sát được là Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lâu dài hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân.

Theo cơ quan thống kê, từ năm 2020 sẽ tính toán khu vực khu vực kinh tế chưa quan sát được vào GDP, khiến một số chuyên gia lo ngại làm tăng nợ công, tăng chi tiêu...

Trên thực tế, hiện nay GDP của Việt Nam đang tính từ nền kinh tế quan sát được vẫn còn bị nghi ngờ.

Ví dụ, trong lĩnh vực hải quan, có những chênh lệch số liệu không được thừa nhận. Chẳng hạn, giữa Hải quan Việt Nam và Trung Quốc, năm 2016, thống kê số liệu nhập khẩu của hải quan Việt Nam thấp hơn 20 tỷ USD so với xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam, con số này nửa đầu năm 2017 là 18 tỷ USD…

Vì thống kê cũng đang dựa nhiều vào ước lượng (có sai số). Nếu tính thêm khu vực kinh tế chưa quan sát được vào GDP nghĩa là lại ước lượng thêm một khoản không chuẩn xác, không có độ tin cậy nữa thì rất nguy hiểm.

Vấn đề quan trọng hơn, nếu cộng cả khu vực kinh tế chưa quan sát được vào GDP (dự kiến thực hiện vào năm 2020) sẽ phải điều chỉnh chuỗi thời gian tính GDP ít nhất là 10 năm. Đó là nguyên tắc, nếu không số liệu sẽ “gãy” hết.

Khi điều chỉnh một chuỗi thời gian cho các dãy số liệu nó sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc ngành nghề theo 10 năm điều chỉnh đó, dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP sẽ khác, cấu trúc GDP sẽ khác, cấu trúc ngành sẽ khác.

Vì không phải ngành nghề nào cũng có khu vực kinh tế chưa quan sát được giống nhau, con số thống kê kinh tế chưa quan sát được có năm nó tăng cao, có năm tăng thấp…

Khi cấu trúc GDP khác đi thì cấu trúc của nhu cầu sẽ khác, tiêu dùng sẽ khác, tích luỹ sẽ khác, xuất nhập khẩu sẽ khác...

Tất cả tỷ lệ sẽ khác, dẫn đến tất cả các báo cáo, công trình nghiên cứu từ trước đến nay sẽ không còn giá trị.

Các con số tăng trưởng hay dự tính tăng trưởng hằng năm mà Quốc hội đưa ra bàn thảo sẽ là hình thức, không đúng bản chất, vì dự tính tổng đầu tư, thu – chi ngân sách… chỉ dựa trên khu vực kinh tế quan sát được, nhưng tăng trưởng thực tế lại gồm cả kinh tế chưa quan sát được.

Khi tính kinh tế chưa quan sát được vào GDP thành tích tăng trưởng GDP lúc đó lại không thực chỉ là ảo, nó cho thấy thu nhập bình quân đầu người tăng lên (do quy mô GDP lớn hơn), tỷ lệ bội chi, tỷ lệ nợ công giảm đi… nhưng thực tế không phải vậy. GDP tăng từ cách tính mới này cũng do thuế tăng, phí tăng… tất yếu sẽ liên quan đến người dân.

Bây giờ lại tính thêm một khoản từ khu vực kinh tế chưa quan sát được, ước tính chiếm 10-15% GDP, giống như một khoản không có độ tin cậy. Do đó, để nói chống thất thu thuế hay chống buôn lậu là khó.

Nước nào cũng có khu vực kinh tế chưa được quan sát, tỷ lệ bao nhiêu phụ thuộc vào trình độ quản lý và mức độ tham nhũng.

Tham nhũng càng cao khu vực kinh tế chưa được quan sát. Riêng đối với Việt Nam, việc thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được sẽ được tính vào GDP, vì Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thống kê Khu vực kinh tế chưa quan sát được vào GDP, dự kiến thực hiện vào năm 2020. Tỷ lệ bội chi, tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ nhỏ đi nhờ vào quy mô GDP tăng lên

Tuy nhiên dưới góc nhìn chuyên gia có quyền nghi ngờ việc đo lường khu vực kinh tế chưa quan sát được khi chưa có hệ thống quản lý xuyên suốt, hoàn chỉnh và chưa được cơ quan quản lý thừa nhận.

Chưa nói tới chuyện có tính các dữ liệu này vào GDP hay không ? ngay việc lượng hoá các hoạt động kinh tế chưa quan sát được là điều không thể.

Một khi những hoạt động kinh tế chưa quan sát được chưa được công nhận và còn tình trạng kế toán hai sổ: báo cáo thuế và nội bộ riêng, thì việc thống kê các hoạt động này không dễ. 

Ngay tại các nước phát triển, việc thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được cũng gặp khó khăn.

Các quốc gia đã đưa kinh tế chưa quan sát được vào GDP như Australia, Mexico... cũng chỉ lượng hoá được những hoạt động tự tiêu, tự sản, hoạt động kinh tế bị bỏ sót.

Nếu tìm cách đo lường kinh tế chưa quan sát được chỉ để làm tăng quy mô GDP, chứng minh tỷ lệ nợ công thấp hơn, bội chi/GDP không lớn... thì không mang lại lợi ích gì, nếu không thực sự quyết tâm khắc phục các vấn đề về nợ công, thu chi, đặc biệt là chi ngân sách.

Việc thống kê hoạt động kinh tế chưa quan sát được và đặc biệt kinh tế bất hợp pháp là rất khó khăn vì đối tượng không khai báo. Kết quả ước tính có thể được tính hoặc không tính vào GDP tùy theo độ tin cậy của phương pháp ước tính và mức độ ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế. Mục tiêu chính xem xét là thu hẹp tối đa hoạt động này trong nền kinh tế.

Còn đối với hoạt động kinh tế phi chính thức được nhận dạng là các cơ sở sản xuất có quy mô vốn và lao động nhỏ; không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh; không ký hợp đồng lao động; không có hệ thống sổ sách ghi chép kế toán; không tách biệt tài sản và lao động của cơ sở cho sản xuất và sinh hoạt hoặc không có tư cách pháp nhân.

Hoạt động kinh tế phi chính thức ở Việt Nam thường biểu hiện dưới hình thức kinh tế hộ gia đình. Hoạt động kinh tế phi chính thức là hoạt động kinh tế không giấu giếm nhưng thường là những hoạt động nhỏ lẻ, đa dạng, liên tục xuất hiện nhiều hoạt động mới như các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, cửa hiệu giặt là, bán hàng rong, xe ôm, bán hàng online… và thường tập trung ở các thành phố lớn.

Hoạt động kinh tế phi chính thức gồm 2 loại: đã được quan sát và chưa được quan sát. Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát là bộ phận kinh tế phi chính thức, nhưng chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh.

Về  nguyên tắc để thống kê, nhận diện danh mục các hoạt động trong từng thành tố phải trên hai cơ sở.

Thứ nhất, chỉ những hoạt động kinh tế tạo ra hàng hóa và dịch vụ trong khu vực kinh tế chưa được quan sát mới đủ điều kiện cần để được tính vào GDP.

Thứ hai, là ngay cả các hoạt động tạo ra hàng hóa và dịch vụ, nhưng hoạt động nào được tính vào GDP và hoạt động nào không cũng cần phải cân nhắc.

Không phải cái nào tạo ra hàng hóa và dịch vụ cũng được đưa vào GDP, mà phải tương đồng với các nước, phù hợp chuẩn mực quốc tế, cũng như phù hợp với quy định pháp luật trong nước. GDP của chúng ta có nội dung và phương pháp tính thống nhất với quốc tế thì mới có thể đem ra so sánh với các nước khác trên thế giới.

Như đã nêu trên, mục đích quan trọng của việc tính toán khu vực chưa quan sát được là để nhìn nhận sức khỏe của nền kinh tế. Từ đó đưa ra những chính sách quản lý với một số hoạt động mà trước đây ta chưa quản lý tốt, còn bỏ sót.

Như hoạt động buôn lậu, nếu nhận diện được thì có chính sách quản lý, phòng chống hoạt động này tốt hơn. Hoặc các hoạt động gây thất thu thuế cũng để đưa ra biện pháp kiểm soát tốt hơn.

Nhưng không nên dựa vào đó để tăng quy mô nợ công hay chi tiêu công. Bởi vì dù có thống kê hay không, bản chất sức khỏe nền kinh tế vẫn thế, chỉ khác là trước chưa ước tính, nay làm thôi.

Việc tăng nợ công, chi tiêu của khu vực nhà nước như thế nào còn phụ thuộc khả năng trả nợ của chính phủ, cũng như phụ thuộc vào hiệu quả chi tiêu công.

Nếu ngân sách nhà nước cứ thâm hụt mãi, nợ nần liên tục tăng trong khi tăng trưởng không tương xứng thì không thể gia tăng nợ công, chi tiêu công. Thêm nữa là phải triệt tiêu hoạt động tham nhũng liên quan chi tiêu công, chứ không phải cứ bày vẽ ra rồi làm thất thoát tài sản và gây lãng phí.

Khi tính toán lại GDP, không phải mọi hoạt động của khu vực kinh tế chưa quan sát được, cũng được đưa vào GDP. Đối với công tác quản lý thuế cũng vậy, không phải hoạt động kinh tế chưa quan sát được nào khi thống kê ra cũng để thu thuế.

Việc thống kê các hoạt động đó để nhận diện chứ không phải hoạt động nào cũng trở thành đối tượng của cơ quan thuế. Đối với  các hoạt động  như buôn lậu, các hộ kinh doanh cá thể có quy mô lớn phải quản lý thuế tốt hơn.

Hoặc với các doanh nghiệp mà nộp thuế không đầy đủ cũng phải nhận diện để thu thuế tốt hơn. Đối với cơ quan thuế trước hết phải cải tiến để quản lý tốt hơn, tránh thất thu thuế thay vì tìm cách tận thu...

Cách tốt nhất để quản lý kinh tế chưa quan sát được là Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lâu dài hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân. Khi còn lót tay, tham nhũng thì kinh tế ngầm còn dư địa phát triển và cũng không thể thống kê được, chưa nói tới việc lượng hoá nó để đưa vào GDP.

Hoàn thiện chính sách, khung khổ pháp luật hay chi tiêu không dùng tiền mặt là những giải pháp căn cơ để đưa dần khu vực kinh tế chưa quan sát được ra ánh sáng.

Cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách và có giải pháp giảm thiểu giao dịch kinh tế dùng tiền mặt. Mọi hoạt động thanh toán cần thông qua thẻ của hệ thống ngân hàng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân hiểu được trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin để điều tra, kiểm soát hoạt động khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Trong các thành phần của kinh tế chưa quan sát được, kinh tế bất hợp pháp là những hoạt động kinh tế vi phạm pháp luật nên cần được truy quét và xử lý theo quy định.

Bên cạnh việc ban hành các chính sách, quy định, chế tài đủ mạnh và thực thi nghiêm cần có các biện pháp để khuyến khích các tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức từng bước chuyển sang hoạt động trong khu vực kinh tế chính thức

Không thể dùng biện pháp hành chính để can thiệp, buộc khu vực kinh tế phi chính thức trở thành chính thức, mà phải rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà khu vực kinh tế chính thức đang phải gánh chịu.

Tóm lại, Đánh gía lại quy mô GDP và Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được có ý nghĩa tích cực và cần thiết làm.

Mục tiêu là để nắm bắt sức khỏe thực chất của nền kinh tế, nhận diện đầy đủ hơn và có biện pháp quản lý tốt hơn với những hoạt động chưa được nhận diện đầy đủ.

Kết quả tính toán chỉ là ước lượng và tham khảo, không nên đưa vào kết quả tính toán GDP chính thức nếu như nó trái với chuẩn mực quốc tế, và đặc biệt không nên dùng nó làm phương tiện để gia tăng nợ công.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Góc nhìn thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được (Bài 3): Đâu là giải pháp? tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1716755560 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1716755560 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10