Hình tượng con hổ và những huyền tích trong lịch sử nước Việt

Diendandoanhnghiep.vn Đã có nhiều truyền thuyết về con hổ trong đời sống của người Việt, nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến hai sự kiện người hoá hổ xảy ra trong triều Lý.

>> CẢM XÚC XUÂN: Nhà Hùm đón tết

Dần là chi thứ ba và được coi là con vật linh thiêng nhất trong thập nhị chi. Nó tượng trưng cho uy quyền, sự dũng mãnh. Người Việt Nam nói riêng và người Châu Á nói chung vốn rất ưu ái cho con vật này và luôn dành cho nó một sự sùng kính. Chẳng thế mà dân gian vẫn gọi hổ là “Ông Ba mươi”, là “Chúa sơn lâm", là "Ngài", hay dùng hổ để ví von bằng một sự tôn kính như nói về cha con cùng tài giỏi là “hổ phụ sinh hổ tử”, nói về tướng võ oai phong là “hổ tướng”…

ghh

Hổ tượng trưng cho uy quyền, sự dũng mãnh

Hình tượng con hổ đã ăn sâu vào đời sống nghệ thuật cũng như lịch sử của Việt Nam. Đã có nhiều truyền thuyết về con hổ trong đời sống của người Việt, nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến hai sự kiện người hoá hổ xảy ra trong triều Lý. Nếu như sự “hoá hổ” của Thái sư Lê Văn Thịnh liên quan nhiều đến những yếu tố học pháp và gắn với một vụ án mưu phản, thì sự ra đời và “hoá hổ” của vua Lý Thần Tông lại gắn với cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Vụ án Thái sư hoá hổ và những oan khuất thiên kỷ

Lê Văn Thịnh sinh ngày 11 tháng 2 năm Canh Dần (1050) tại làng Gủ, thôn Bảo Tháp, trang Đông Cứu, lộ Bắc Giang. Thân phụ của ông là ông Lê Văn Thành, một thầy lang giỏi, thân mẫu là bà Trần Thị Tín. Con đường học vấn của Lê Văn Thịnh rất hanh thông, trôi chảy.

Tại kỳ thi Nho học năm Ất Mão (1075), kỳ thi Minh kinh bác học và nho học tam trường đầu tiên, ông đỗ đầu trong 10 người trúng tuyển. Thời điểm này, danh hiệu trạng nguyên chưa có, song các triều đại sau đều suy tôn ông là trạng nguyên đầu tiên. Ông được bổ chức Sư phó Nội cấp và trở thành thầy dạy vua Lý Nhân Tông. Tháng 12 năm 1075, ông được bổ chức Thị lang Bộ Binh và có những đóng góp nhất định trong việc bình Chiêm, phá Tống. Đến năm 1084, ông được vua Lê Nhân Tông phong lên chức thái Sư. Ở trên cương vị này, ông đã có những cuộc cải cách lớn.

Vào năm Bính Tý (1096) giữa khi những cuộc cải cách của Thái sư Lê Văn Thịnh đang trên đà tiến triển thì đột nhiên xảy ra vụ án hồ Dâm Đàm (Hồ Tây). Sự việc này, trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép: Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mây mù có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném.

Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt nói: “Việc nguy rồi”! Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ là đại thần, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất Tây Hồ làm thực ấp, trước đấy gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan mưu chuyện thí nghịch. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: "Kẻ làm tôi phạm tội giết vua cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng đạo Phật”.

Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh bên trong đền thờ ông ở Bắc Ninh

Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh bên trong đền thờ ông ở Bắc Ninh

Mặc dù vậy, do sử liệu còn nhiều bất cập, do đó cần phải xem xét lại các sự kiện chính diễn ra trước, trong và sau thời gian Lê Văn Thịnh làm Thái sư. Điều đáng chú ý nhất trong thời gian Lê Văn Thịnh làm Thái sư đó là việc vua Lý Nhân Tông phong Thiền sư Khổ Đầu Quốc là Quốc sư năm 1088. Việc bổ chức này đã khiến cho việc hành chính, nội trị sẽ được xử lý theo nhiều hướng khác nhau, giữa một bên là tư tưởng trị dân theo giềng mối của Nho gia và một bên là lòng nhân từ bi của nhà Phật.

Trong thời gian Lê Văn Thịnh làm Thái sư, ông đã tiến hành cải cách ít nhiều gây tổn hại đến lợi ích của tầng lớp tăng lữ, quý tộc, thậm chí bị coi là hạn chế thế lực nhà chùa. Phải chăng vì những điều này mà có thế lực nào đó đã mượn tay của đạo Lão mà đứng ra dựng màn kịch vụ án ở hồ Dâm Đàm?

Vào một khoảnh khắc của lịch sử, khi Nho giáo mới bắt đầu xây dựng nền móng của mình mà đã đòi ngay vị trí độc tôn trên chính trường thì tất yếu bi kịch xảy ra và Lê Văn Thịnh đã bị loại khỏi vũ đài chính trị.

Dù bị triều đình kết án, rồi phao tin chuyện hoang đường, nhưng người dân vẫn không tin đó là sự thật. Sau khi Lê Văn Thịnh mất, người dân đã lập đền thờ và luư truyền những tập tục riêng biệt trong lễ tế ông. Các vua triều đại sau truy tặng, phong thần ông nhiều lần. Việc ai đó tạc một pho tượng thân rắn, nhưng tư thế và móng vuốt của rồng, rồi tự cắn xé thân mình, rồi chôn xuống đất nơi là nhà ông ở, rồi là đền thờ ông đã thể hiện rõ niềm tin vô tội của ông.

>> Khí phách hổ vàng

Căn bệnh lạ khiến vua Lý Thần Tông hoá hổ

Nếu như sự “hoá hổ” của Thái sư Lê Văn Thịnh liên quan nhiều đến những yếu tố học phép và gắn với một vụ án mưu phản, thì sự ra đời và “hoá hổ” của vua Lý Thần Tông lại gắn với cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh, với quả báo do sử dụng công năng của phép thuật sai mục đích và sự hoán chuyển vai trò quyền lực thông qua con đường “tái sinh”. Hai sự việc tưởng chừng như khó lý giải ở trên cũng phần nào dựng lên bối cảnh sinh hoạt chính trị, xã hội, tín ngưỡng tôn giáo thời Lý.

Vua Lý Nhân Tông không có con nối dõi, nên trước khi mất đã nhường ngôi cho cháu là Dương Hoán, con trai của vợ chồng Sùng Hiền hầu. Từ lúc còn ở trong bụng mẹ cho đến khi được sinh ra, cuộc đời Dương Hoán đã được bao phủ bởi những câu chuyện hết sức kỳ bí liên quan đến việc trước đó Từ Đạo Hạnh dùng phép đánh chết Đại Điên để trả thù cho chau, rồi tiếp tục ngăn cản việc thác thai của Giác Hoàng và được vua Lý Nhân Tông đồng ý cho thác sinh để giữ lại ngôi vua.

Nếu như chuyện vua Lý Thần Tông sinh ra gắn liền với ân toán của Từ Đạo Hạnh và Đại Điên, Giác Hoàng thì việc Lý Thần Tông hoá hổ lại gắn với một câu chuyện khác liên quan đến quá trình đi tìm thầy học phép của Từ Đạo Hạnh và Không Lộ, Giác Hải.

Trong Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (1374 – 1446), mục Minh Không dị thần có ghi: “Hương Giao Thuỷ ở Giao Chỉ có chùa Không Lộ. Ngày xưa có một vị sư họ tục là Nguyễn, tên là Minh Không, khoảng năm Trị Bình đời Tống xuất gia đến ở chùa này, có đức hạnh, ai cũng biết. Một hôm Minh Không từ ngoài về, có nhà sư cùng phòng đùa núp trong cửa, nhảu ra làm tiếng hổ kêu để doạ Minh Không. Minh Không cười nói: “Đã đi tu, lại còn muốn làm hổ ư? Ta phải cứu anh mới được!”. Năm sau, nhà sư kia chết. Tiếp đó, Quốc vương họ Lý sinh Thế tử, tuổi chừng hai mươi thì bỗng nhiên khắp mình mọc lông, nhảy nhót gầm thét, đầu và mặt dần dần biến thành hình hổ. Nhà vua cầu y, vu, tăng, đạo khắp nơi, nhưng đều chịu bó tay. Nghe Minh Không có phép thuật, sau người đi thuyền đến mời về.”

Thiền sư Nguyễn Minh Không chữa bệnh

Thiền sư Nguyễn Minh Không chữa bệnh "hóa hổ" cho vua Lý Thần Tông

Như vậy, qua Nam Ông mộng lục đã cho biết ít nhiều về nguyên nhân của việc vua Lý “hoá hổ”. Có thể do ở thân trước, Từ Đạo Hạnh tức giận việc Minh Không và Giác Hải cùng đi học phép ở Thiên Trúc, nhưng khi học được phép thì bỏ về trước, nên sau khi học được phép, Đạo Hạnh đã hoá hổ để doạ hai người bạn của mình. Chính hành động thiếu cân nhắc này mà vào kiếp sau, dù được làm vua, nhưng vấn mắc bệnh trái “hoá hổ” để trả báo.

Việc thiền sư Minh Không chữa bệnh “hoá hổ” cho vua Lý Thần Tông thì hầu hết các sử, sách đều khá thống nhất với nhau, riêng Đại Việt sử lý toàn thư cho rằng Minh Không là học trò của Từ Đạo Hạnh, còn các sách khác đều xem là bạn. Chính vì điểm này mà nổi lên những tranh luận rằng Minh Không và Không Lộ là hai người khác nhau hay chỉ là một.

Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, chuyện sau này thiền sư Minh Không chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông là điều mà Từ Đạo Hạnh đã tiên liệu và có sự chuẩn bị. Nếu nhìn trong một chuỗi nhân quả, như lời tự bạch vì “nghiệp duyên chưa dứt” của Từ Đạo Hạnh, thì chuyện “hoá hổ” cũng là một dạng của trả nghiệp. Chính nhận thức “trả nghiệp” này đã hoá giải những mâu thuẫn, thù hận trước đó. Học phép để trả thù, hay học phép để làm bất cứ điều gì gây tổn hại cho người khác đều phải trả báo.

Trong lịch sử Việt Nam không có triều đại nào xảy ra việc người “hoá hổ” liên quan đến những người đứng đầu quốc gia như triều Lý. Vụ việc Thái sư Lê Văn Thịnh “hoá hổ” để mưu phản xảy ra vào thời vua Lý Nhân Tông và sự kiện vua Lý Thần Tông “hoá hổ” để trả nghiệp báo xảy ra trong chính triều đại của ông. Cả hai sự việc này đều liên quan ít nhiều đến việc học phép thuật và sử dụng nó vào các mục đích khác nhau. Chính vì những màn huyền thoại, thần bí bao phủ chung quanh hai sự kiện trên đã để lại cho hậu thế những nghi vấn và khám phá không dứt.

Tuy nhiên, ẩn sau những màn huyền thoại và nghi vấn đó là một bài học lớn về phương thức ứng xử nhân văn của người Việt. Ở đó tinh thần khoan dung của Phật giáo đã có tác dụng làm mềm hoá lịch sư, đồng thời cho thấy những “đúng – sau”, “công – tội” nơi mỗi con người không phải là điều bất biến. Nếu ai biết vượt qua giới hạn của bản thân để điều chỉnh, sửa chữa thì đều có một chỗ đứng vững chắc trong lòng nhân dân và tin chắc lịch sử sẽ không bao giờ quay lưng lại với họ.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Hình tượng con hổ và những huyền tích trong lịch sử nước Việt tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714178432 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714178432 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10