Mang vật phẩm nguy hiểm lên máy bay - Nước nổi mà bèo chưa nổi

Diendandoanhnghiep.vn Việc sử dụng máy bay vẫn là sử dụng phương tiện đặc biệt, cần các quy định nghiêm ngặt về an toàn để bảo vệ cho chính sự an toàn của hành khách chúng ta.

Hai mươi năm trước đây, tầm năm 2002, việc đi máy bay vẫn là chuyến đi to tát và mới mẻ với nhiều người. Cái cảm giác được lên máy bay, cưỡi mây bay trên chín tầng mây là cái cảm giác được mong ngóng, hồi hộp đến mất ngủ. Có người cứ mắt tròn vo, há hốc mồm nghe người mới đi máy bay về kể lại chi tiết, cảm giác khi bay.

Phần đông số dân khi đó chỉ có người thành phố có điều kiện kinh tế hay có công tác ở nước ngoài mới thường xuyên đi máy bay. Người bình dân thì chỉ có việc thật cần kíp như cha già, mẹ héo đột xuất mới dám mua vé máy bay để sử dụng. Giá vé cho một lượt bay nếu người viết nhớ không nhầm thì trị giá phải tương đương hai chỉ vàng cho tuyến bay Hà Nội - TP HCM, còn bay quốc tế sang Thái Lan, Nhật Bản… chắc chắn đắt hơn nhiều.

Hành khách mang dao lên máy bay để gọt trái cây sáng 18/7. Ảnh: DĐHK

Hành khách mang dao lên máy bay để gọt trái cây sáng 18/7. Ảnh: DĐHK

Chính vì thế, trước khi lên máy bay, hành khách rất chịu khó tìm hiểu xem đi máy bay có khác biệt gì so với đi các phương tiện truyền thống. Các đại lý bán vé khi thấy khách đi lần đầu đều hướng dẫn khá chi tiết về việc chuẩn bị khi đi máy bay, các vật dụng được phép, không được phép mang lên máy bay, hướng dẫn cả việc cần nhai kẹo hay há miệng để cân bằng áp suất không khí khi thay đổi độ cao.

Đấy là những hành khách có điều kiện hay người đi công tác nước ngoài, còn với một số hành khách có việc gấp của bố mẹ thì khóc khóc, mếu mếu, chắc chỉ vơ vội được bộ quần áo là lên đường.

Người viết vẫn nhớ rõ cô bán vé dặn khi giao vé: Tuyệt đối không được cầm theo các vật dụng có thể gây cháy nổ như: Thiết bị nổ quân dụng, đạn, mìn, các loại pháo, xăng dầu, bật lửa hoặc diêm. Các đồ chơi, bật lửa có hình dạng súng đạn, vũ khí như dao, búa… cũng không được cầm theo mang lên máy bay.

Lần đầu đi máy bay, rất nhiều bỡ ngỡ từ việc thắt dây an toàn, đến loay hoay tìm chỗ xả nước nhà vệ sinh trên máy bay. Lúc nhấn nút xả, nước không thấy đâu mà máy hút chân không rú hú hú làm sợ khiếp vía không hiểu chuyện gì xảy ra. Rồi cả việc tìm cửa nhận hành lý gửi, kiểm tra an ninh, xuất nhập cảnh cũng rất bỡ ngỡ với những người lần đầu sử dụng phương tiện giao thông này.

Đi nhiều tưởng như đã quen, ấy thế mà có lần bay từ sân bay của Thái Lan về Việt Nam, hồi ấy còn bay ở sân bay cũ Đôn Mương, do chủ quan nên người viết để cả chai rượu tây to và hơn chục hộp kem đánh răng Darlie có hình tây đen đội mũ vào hành lý xách tay. Số đồ ấy bị an ninh sân bay Thái Lan - mấy anh đen nhẻm mặc quần áo bó chẽn y như trang phục lính ngụy lạnh lùng bắt bỏ lại hết vào thùng rác. Và sau lần ấy, người viết chừa đến già, lên máy bay là phải soạn kỹ đồ đạc, hành lý.

Kinh tế Việt Nam bùng nổ trong hơn chục năm trở lại đây. Việc đi máy bay đi chơi, du lịch, thăm thân, dự cưới hỏi trở thành việc thường ngày với phần lớn các đối tượng hành khách. Thế nhưng người thì do tâm lý chủ quan, người thì có tuổi được con cháu động viên đi máy bay thì lại kèm các lời động viên kiểu như: Bác cứ đi đi, chả sao cả, sướng hơn ngồi ô tô nhiều. Bác cứ thoải mái đi cho biết. Và thế là sự vô tình, vô ý không chịu tìm hiểu các quy định khi đi máy bay đã dẫn đến chuyện dở khóc, dở cười với đồ vật mang lên máy bay.

Bà có thói quen ăn vặt, thích gọt ăn hoa quả tươi, lên máy bay cầm theo quả táo, con dao để tiện gọt ăn cho chống say. Ông cầm theo lọ dầu gió lên xức thái dương, xức họng mùi nồng nực cả khoang. Cậu thì xách can rượu qua cửa kiểm tra an ninh để rồi cứ ngẩn người ra khi không được trình bày.

Thực tế cho thấy việc sử dụng máy bay vẫn là sử dụng phương tiện đặc biệt, cần các quy định nghiêm ngặt về an toàn để bảo vệ cho chính sự an toàn của hành khách chúng ta, do đó, không thể đánh đồng dễ dãi như sử dụng các phương tiện khác. Việc trang bị kiến thức để có các chuyến bay an toàn là trách nhiệm và nghĩa vụ song hành cùng quyền lợi của khách hàng. Do vậy, việc mang vật phẩm nguy hiểm lên máy bay mà chưa đến mức truy cứu hình sự có thể bị phạt nặng lên tới tới 7 - 10 triệu là việc nên làm.

Thứ khó kiểm soát nhất là tâm lý con người, nhất là khi cuộc sống hiện đại luôn gấp gáp, có áp lực, có thể gây lên các hành động bộc phát mất kiểm soát. Nếu như vô tình mang dao, gậy, chai lọ lên máy bay, trong một phút bốc đồng nào đó thì vũ khí đó sẽ được sử dụng để uy hiếp gây thương tích cho hành khách hoặc phi hành đoàn, ảnh hưởng đến an toàn của chuyến bay. Cẩn tắc vô áy náy, cứ làm chặt, làm nghiêm xử phạt rõ ràng ngăn chặn phòng ngừa vẫn là cách làm tốt nhất.

Nước nổi mà bèo chưa nổi thì phải kéo bèo lên để nổi. Cách hành xử chuẩn mực, văn minh khi sử dụng phương tiện giao thông hiện đại là việc cá nhân phải tự trang bị cho mình để nâng cao trình độ dân trí. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt chẽ từ máy soi an ninh cũng như nâng cao trình độ nghiệp vụ của nhân viên an ninh cũng là việc cần làm, tránh để xảy ra các sự việc đáng tiếc, vì có sự việc liên quan đến máy bay sẽ to chuyện hơn các phương tiện giao thông khác nhiều lần.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Mang vật phẩm nguy hiểm lên máy bay - Nước nổi mà bèo chưa nổi tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714325341 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714325341 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10