“Ngỡ ngàng” với đề xuất xây sân bay Hà Tĩnh

Diendandoanhnghiep.vn Phải chăng, chuyện lạm phát, thua lỗ sân bay cũng như cảng biển chẳng khác nào căn bệnh trầm kha, biết mà không “chữa” được, biết mà không tránh được?

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông.

Đáng chú ý, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị được bổ sung đưa vào quy hoạch Cảng hàng không (CHK) quốc tế Hà Tĩnh khiến không ít người ngỡ ngàng.

Một con số thống kê là chỉ riêng 14 tỉnh, thành miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, đã có đến 9 sân bay. Mật độ sân bay dày đặc nhưng hiệu quả khai thác rất thấp.

Có một thực tế mà không ai có thể bác bỏ được là hiện mới chỉ có vài ba sân bay có lãi, trong đó chủ yếu là 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, còn lại đều thua lỗ triền miên.

Còn nhớ, tại buổi “Công bố Báo cáo đánh giá chi tiêu công tại Việt Nam” không lâu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chỉ ra nhiều bất cập, đặc biệt là hiệu quả quản lý đầu tư và sử dụng hệ thống các sân bay, cảng biển của Việt Nam.

Khi đó, những con số đáng chú ý được Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ ra như 80% các sân bay Việt Nam đang hoạt động với công suất dưới 5%. Có tới 8% trong số các sân bay đang làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có những cụm cảng biển rất quan trọng đầu tư khá lớn nhưng công suất sử dụng chưa đến 2%.

Nếu nói xây dựng CHK để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì cũng không thuyết phục khi phía Bắc Hà Tĩnh có sân bay Vinh, sân bay Thọ Xuân, phía Nam có sân bay Đồng Hới. Cự ly các sân bay đó với Hà Tĩnh rất phù hợp với đi lại bằng đường bộ. Người dân Hà Tĩnh muốn đi TP.HCM, Hà Nội thì có sân bay Vinh..., xây thêm một sân bay sẽ lãng phí.

Dường như, việc Chính phủ không quy định việc quy hoạch sân bay là của Trung ương mà đang phân cấp cho các tỉnh xây dựng các quy hoạch cả về hạ tầng, dẫn đến một cuộc chạy đua mà các chuyên gia kinh tế gọi là “hội chứng sân bay”.

“Hội chứng sân bay” và nguy cơ “63 tỉnh, thành phố đều có sân bay” từng được chất vấn trước Quốc hội, trong cảnh báo và so sánh với “hội chứng cảng biển”, “hội chứng khu công nghiệp” từng tràn lan khắp nơi. Thế nhưng bài học nhãn tiền đó vẫn không được rút ra.

Phải chăng địa phương hăng hái xây dựng sân bay, cảng biển chỉ để giải quyết khâu “oai”?

Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý không thể lý giải vì sao, các địa phương trong khu vực này đã có nhiều sân bay - hầu hết hoạt động kém hiệu quả do số lượng khách ít, mà Hà Tĩnh vẫn quyết tâm xây dựng thêm một sân bay nữa.

Đã có rất nhiều bài học nhãn tiền, những hệ quả khi các địa phương đua nhau xây dựng cảng biển, sân bay nhưng vì sao vẫn không chịu rút ra bài học?

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tại khu vực này, phía Bắc đã có sân bay Nghệ An với khoảng hơn 1 triệu khách/năm, phía Nam có sân bay Quảng Bình với lưu lượng khoảng vài trăm ngàn. Nếu 3 tỉnh liền nhau có sân bay sẽ khó thuyết phục.

Bộ trưởng gợi ý gợi ý Hà Tĩnh nên học tập mô hình sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Trước mắt, nên hình thành CHK sơ bộ, do yêu cầu khai thác điều chỉnh từ sân bay chuyên dụng sang dân dụng để khai thác có hiệu quả sẽ thuận lợi hơn.

Bộ trưởng giao Cục hàng không Việt Nam phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Quốc phòng nghiên cứu cách triển khai phù hợp.

Nhìn qua có thì có vẻ phía Bộ GTVT không đồng ý với đề xuất này, nhưng dư luận lại thấy cái sự không có lập trường của Bộ về chuyện làm hay không làm sân bay Hà Tĩnh dù biết rõ tính hiệu quả của nó, vì can ngăn địa phương này không nên làm kiểu này nhưng lại gợi ý cho họ làm kiểu khác.

Phải chăng Bộ GTVT đang "bật đèn xanh" cho địa phương này có cơ hội được duyệt dự án?

Là đơn vị quản lý ngành, lẽ ra Bộ GTVT phải hiểu hơn ai hết là ở Việt Nam cái cần thiết là xây dựng một mạng lưới giao thông kết nối giữa các tỉnh thành với nhau và với các trung tâm khác trong khu vực và trên quốc tế chứ không phải nơi nào có biển là cho xây dựng cảng biển, tỉnh nào cũng muốn có sân bay.

Thực tế, có nhiều dự án chỉ mới khơi ra nhưng đã biết cầm chắc lỗ, nhưng địa phương và bộ ngành vẫn quyết tâm làm khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: Đằng sau mục tiêu tốt đẹp khi xây dựng dự án mà lãnh đạo địa phương đưa ra, còn những lợi ích nào nữa? 

Đấy là chưa mở rộng vấn đề để nói tính việc thu xếp vốn cho sân bay Long Thành tỷ đô chưa xong, lấy đâu ra tiền ngân sách để xây hết sân bay này tới sân bay khác cả nghìn tỷ đồng?

Còn nói đến huy động vốn xã hội hóa ư? Thật chẳng dễ để kêu gọi nguồn vốn để đầu tư vào xây dựng sân bay Hà Tĩnh khi mà khả năng thu hồi vốn có thể nói rất mờ mịt.

Có thể nói, quy hoạch muốn vào cuộc sống thì người dân phải được biết, xã hội phải được biết. Phải bỏ tư duy nhiệm kỳ thì đất nước mới phát triển được. Cán bộ có nhiệm kỳ, chứ quy hoạch thì không nên có nhiệm kỳ. Quy hoạch mà cứ 3 năm bổ sung, 5 năm điều chỉnh thì không được, nó tạo ra kẽ hở xin – cho.

Và chuyện xin làm sân bay ở Hà Tĩnh cũng thế, ai cũng ngỡ ngàng bởi nó không chỉ mịt mờ về tính hiệu quả, mà người ta chỉ thấy rõ “mồn một” cơ chế xin - cho và cái sự “con gà tức nhau tiếng gáy” ở mỗi địa phương mà thôi. 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Ngỡ ngàng” với đề xuất xây sân bay Hà Tĩnh tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714135307 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714135307 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10