Phát hiện F0 tại trường học: Cần truy vết sâu, khoanh vùng hẹp!

Diendandoanhnghiep.vn Trong trường hợp lớp học có F0, trường học không nên đóng cửa cả trường mà nên cho học sinh lớp đó tạm nghỉ học để truy vết sâu, khoanh vùng hẹp.

>> Truyền “năng lượng tích cực” cho học sinh

Việc phát hiện F0 trong trường học đã nằm trong kịch bản, tuy nhiên, nhiều trường học vẫn lúng túng trong việc đóng – mở khi lớp học xuất hiện nhiều F0.

Liên tục đóng - mở

Qua việc kiểm tra tại 9 tỉnh/thành, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT ghi nhận một số vướng mắc khi thực hiện đón học sinh trở lại trường học.

Theo đó, một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc phát hiện tại trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.

Cụ thể, ngày 15/2/2022, Trường Phổ thông liên cấp Đa Trí Tuệ (Hà Nội) đã phải đóng cửa trường học vì số học sinh mắc COVID-19 tăng cao. Có lớp học tại đây thậm chí được xác định trở thành ổ dịch khi có 7 F0/ hơn 30 học sinh.

Trước đó, sáng 14/2, tại trường THPT Phan Huy Chú (huyện Quốc Oai), nhà trường cho cả lớp 12A3 nghỉ học trực tiếp, chuyển học online. Nguyên nhân là bởi lớp có tổng 40 học sinh thì 15 em được xác định F0 qua test nhanh; hầu như tất cả học sinh còn lại trong lớp được xác định là F1.

Tương tự, tại Trường THPT Việt Đức cũng phải thay đổi hình thức học của một số lớp và môn học. Cụ thể, một lớp 12 của trường phải chuyển sang học trực tuyến do xuất hiện hàng loạt học sinh xét nghiệm PCR được khẳng định F0. Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh phức tạp, các giờ học thể dục và giáo dục quốc phòng trái ca của khối 10 và 11 cũng phải chuyển sang học trực tuyến đến hết tuần…

fff

Hầu hết các tỉnh thành đã cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị chủ trì chính trong công tác bảo đảm cho học sinh trở lại trường an toàn và chủ động xử lý các tình huống phát sinh. Trong đó, các nhà trường khi phát hiện hoặc nhận tin báo có F0, điều cần nhất phải bình tĩnh và chủ động có cách xử lý đúng quy định của ngành y tế.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, nhà trường chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương. Sau đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp quận có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh; có kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1.

Cũng theo vị lãnh đạo này, tuỳ theo diễn biến dịch bệnh để các trường, lớp chủ động hình thức giảng dạy cho học sinh phù hợp. Với những lớp xuất hiện nhiều F0, F1 sẽ chuyển sang học trực tuyến; với những trường lớp an toàn sẽ tiếp tục cho học sinh đến trường. Cần tích cực tận dụng thời gian vàng học trực tiếp; không để xảy ra tình trạng vì một học sinh mà cả lớp, cả trường phải dừng học. 

>> Học bán trú có làm tăng nguy cơ lây COVID-19?

Bình tĩnh ứng phó

Bày tỏ quan điểm của mình, Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) cho biết, các trường học, phụ huynh và học sinh cần thực hiện nghiêm theo bộ hướng dẫn của ngành Y tế và Giáo dục khi học sinh trở lại trường. Hoàn thiện các phương án xử trí chi tiết khi phát sinh F0 tại trường học như cách ly ra sao, điều trị F0, F1 thế nào...

Học sinh lớp 7 đến 12 tại những khu vực dịch cấp độ 1 và 2 của Hà Nội được quay lại trường học tập trung từ 8/2, sau hơn 8 tháng ở nhà.

Công tác phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm tại các trường học để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Đồng thời, có phác đồ điều trị cho các F0 học đường ở mọi mức độ khác nhau; vừa triển khai vừa nghiên cứu, đánh giá hiệu quả và tính an toàn của vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi. Ưu tiên tinh thần tự nguyện của cha mẹ khi cho con tiêm ở độ tuổi này. Nếu trẻ không tiêm cũng cần phải tôn trọng quan điểm của gia đình.

“Ngành Y tế cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các biện pháp để phòng chống dịch COVID-19 tại trường học. Nâng cao tỷ lệ trẻ 5-11 tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19 trên tinh thần tôn trọng quan điểm tiêm hay không tiêm của gia đình”.

Thượng tá, bác sĩ NGUYỄN HUY HOÀNG

“Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác, không thể để học sinh học trực tuyến ở nhà mãi được, cần sớm cho học sinh tới trường. Trước mắt, học sinh lớp 7 trở lên đã được tiêm vaccine với tỷ lệ nhất định, sau đó tới trẻ mầm non và trẻ lớp 1 đến lớp 6 cũng sẽ tới trường học trực tiếp.

Việc F0 xuất hiện liên tục tại trường học trong thời gian tới là điều có thể nhìn thấy trước. Quan trọng là hướng xử lý, vừa đảm bảo không quá xáo trộn đến hoạt động dạy và học, vừa hạn chế được các ca bệnh chuyển nặng”. - bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nói.

Cho ý kiến về vấn đề này, PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, các trường học phải bình tĩnh ứng phó với diễn biến dịch bệnh. Trong trường hợp lớp học có F0, trường học không nên đóng cửa cả trường mà nên cho học sinh lớp đó tạm nghỉ học. Học sinh trở lại trường sau dịp nghỉ Tết, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn bởi các em di chuyển nhiều. Việc phối hợp giữa nhà trường, cơ quan y tế và phụ huynh để cùng theo dõi sức khỏe của học sinh đóng vai trò rất quan trọng.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng, trong quá trình cho học sinh đến lớp học trực tiếp cần theo tinh thần thích ứng linh hoạt chứ không nên máy móc. Tùy điều kiện từng nơi mà có thể linh hoạt trong việc truy vết sâu, khoanh vùng hẹp nếu phát hiện F0 trong trường học.

"Lớp học xuất hiện F0, không nhất thiết phải cho cả lớp nghỉ học để cách ly. Thực tế cho thấy, một lớp có gần nửa số em là F0 thì những em còn lại vẫn học trên lớp bình thường. Nếu sau khi điều tra dịch tễ em đó bị lây từ gia đình, nhà trường không nhất thiết bắt các em còn lại phải test hết. Kịch bản khi xử lý F0 cũng cần làm bài bản và thích hợp từng hoàn cảnh. Nhà trường cần tìm hiểu rõ em F0 đó có bắt tay, tiếp xúc, ăn uống ngồi cùng với ai đó trong lớp hay không?", Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh. 

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết tỉ lệ mắc Covid-19 của trẻ em dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương hơn 490.000 trẻ. Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ mắc Covid-19 tử vong, chiếm 0,42% so với số tử vong chung. Qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, di chứng cấp tính của Covid-19, thậm chí có những trường hợp viêm đa cơ quan.

Các chuyên gia cảnh báo trong bối cảnh mở cửa trở lại, dự kiến số trẻ mắc Covid-19 sẽ tăng cao. "Do đó, việc bảo đảm an toàn dịch bệnh ở trường học rất quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương cần sắp xếp nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cao kỹ năng thực hành y khoa để bảo đảm công tác phòng dịch" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Về tình hình mắc Covid-19 của trẻ em tại TP HCM, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định đến ngày 7-2, trong tổng số 516.163 ca mắc, có 32.429 F0 từ 16 tuổi trở xuống, chiếm tỉ lệ 6,3%. Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/tổng số ca tử vong cộng dồn 20.379 người (chiếm 0,23% tổng số ca tử vong).

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phát hiện F0 tại trường học: Cần truy vết sâu, khoanh vùng hẹp! tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714602019 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714602019 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10