Phát triển nông nghiệp: Bài 2 - bài học trong và ngoài nước

Diendandoanhnghiep.vn Nói đi đôi với làm, năm 1945, lần đầu một tổ chức đại diện cộng đồng làng xã có tư cách pháp nhân được thành lập ở làng quê theo Sắc lệnh của Hồ Chủ tịch.

>> Phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp an toàn

Đó là “Hội đồng nhân dân xã” gồm 15-25 đại diện do dân trực tiếp bầu và có quyền giải tán.

Hội đồng họp công khai hàng tháng “có quyền quyết nghị về tất cả các vấn đề” không trái với chỉ thị trên, nội dung cần huyện, tỉnh chuẩn y là thuê, mướn, mua, bán bất động sản, đóng góp, vay mượn, đầu tư, định thuế.

Sắc lệnh trên đã thay thế bộ máy quan viên làng xã miền Bắc và miền Trung của chế độ phong kiến thành tổ chức quản lý dân chủ của cộng đồng nhân dân ở cơ sở. Nhờ đó, làng xã Việt Nam phát huy được sức mạnh của cộng đồng đã đóng góp hiệu quả trong quá trình chống đói, chống dốt, tham gia tổng tuyển cử xây dựng chính quyền mới và tiến hành kháng chiến, kiến quốc.

Bước vào giai đoạn hiện đại hóa đất nước hôm nay, cần có những tổ chức phục vụ cho nhiệm vụ công ích của những tập thể, cộng đồng cụ thể thì không thể dùng các tổ chức tư nhân theo cơ chế thị trường nhằm tìm kiếm lợi tức cũng không thể dùng các tổ chức của nhà nước phục vụ theo mệnh lệnh từ trên xuống cho lợi ích chung cả nước.

Chuỗi liên kết nông sản an toàn, sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đã và đang được xây dựng ở Long An.

Chuỗi liên kết nông sản an toàn, sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đã và đang được xây dựng ở Long An.

Tổ chức tự quản của các thành viên trong một cộng đồng, tự nguyện hợp tác, thống nhất hoạt động theo tôn chỉ, sẵn sàng cùng nhau thực hiện những hành động tập thể để đáp ứng nguyện vọng, thoả mãn nhu cầu, nhằm xây dựng hay bảo vệ những giá trị và lợi ích chung của các thành viên chính là loại tổ chức cần phát triển trong thời kỳ này.

Đặc điểm nhận biết quan trọng của tổ chức cộng đồng là do các thành viên trong một cộng đồng nhất định tham gia (cộng đồng địa lý, cộng đồng sở thích…) và nhằm đem lại lợi ích chung cho tập thể thành viên, không vì mục tiêu lợi nhuận hay chính trị từ bên ngoài cộng đồng.

Hoạt động của tổ chức cộng đồng theo nguyên tắc: tự nguyện của các thành viên, đoàn kết trên tinh thần có đi có lại, tham gia trực tiếp và quan hệ trực tiếp, lãnh đạo bằng thuyết phục và làm gương. Với kết cấu tổ chức đặc biệt và các ưu điểm vượt trội như cần cù, tự lực, tôn sư trọng đạo, đề cao học vấn, kính trọng tuổi tác, gắn bó gia đình, đoàn kết xóm giềng, chấp hành hương ước,… các tổ chức cộng đồng suốt hàng ngàn năm đã giúp mở mang bờ cõi dân tộc, phát triển sản xuất, phòng chống thiên tai, bảo vệ tổ quốc.

Tổ chức cộng đồng là đơn vị tổ chức căn bản để tích lũy kinh tế và chuyển đổi xã hội đưa đất nước lên các bước phát triển từ thấp đến cao hơn. Bên cạnh mặt mạnh, cộng đồng nông thôn tồn tại những điểm yếu cố hữu: tình trạng phe cánh, bè phái trong cơ quan; lựa chọn con người không theo năng lực mà theo tiêu chí họ hàng trong tổ chức theo kiểu “một giọt máu đào hơn một ao nước lã”; thói quen đề cao quyền lợi phe nhóm dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm “ăn cây nào, rào cây ấy”; đề cao quy định nội bộ vượt trên pháp luật như “phép vua thua lệ làng” dẫn đến tình trạng cát cứ, vô chính phủ.

Ngoài ra là các thói xấu khác như việc chạy theo bằng cấp, học vị; đề cao hình thức, phô trương “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”, thái độ xuôi chiều “mẹ hát, con khen”, tư duy giáo điều, bó cứng … cũng ảnh hưởng đến tập quán, tác phong của cư dân, trong quản lý.

Trong tổ chức cộng đồng nông thôn, làng xã là đơn vị cơ bản. Dưới chế độ phong kiến, vua sở hữu đất đai toàn quốc, trị vì toàn bộ thần dân nhưng ở làng xã, địa chủ hào tộc tự trị ở mức độ nhất định. Đơn vị này có quyền thu thuế, giữ an ninh, cung cấp lao dịch và thi hành các luật tục địa phương. Tại các vùng biên ải, quyền lực của hào tộc địa phương thậm chí còn mang tính cát cứ ở châu quận và tham gia bảo vệ lãnh thổ. Dịch vụ dân sinh chính yếu như học hành, chữa bệnh, sinh đẻ, ma chay, an ninh cũng cung cấp chủ yếu tại cộng đồng.

Từ sau thời kỳ Bắc thuộc, nhà nước phát triển, năm 907 Khúc Hạo phân thứ bậc hành chính từ xã trở lên (xã lúc đó có thể trùng với làng hoặc vài làng). Sau đó các đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Trần, nhà Trần, nhà Hồ, Hậu Lê, nhà Nguyễn đều như vậy. Trừ đời Lý, tên thôn, bản mới xuất hiện trên danh bạ hành chính. Một số thời kỳ, chính quyền trung ương đã cắt cử quan xã (đời Trần thế kỷ 13, đời Lê thế kỷ 14, thời Pháp thuộc) rồi cũng phải trả về cho dân địa phương cử.

>> “Cầu nối” hoàn thiện chuỗi cung ứng nông nghiệp

Quan viên làng xã có ba nhóm. Hội đồng “kỳ mục” là bộ phận chức sắc chỉ đạo bao gồm quan chức, sỹ tử, con quan, bàn bạc và quyết định mọi công việc. Nhóm “kì lão” cao tuổi là tư vấn. Nhóm “kì dịch” thi hành công việc Hội đồng kì mục giao do “Tiên chỉ” đứng đầu là người có phẩm tước, danh vọng và tuổi tác, sinh trưởng tại làng. Học vị được đề cao hơn quan chức.

Đứng đầu nhóm lý dịch là lý trưởng do kỳ mục và kỳ lão cử ra và nhân dân bầu để huyện quyết định và cấp dấu. Người này cũng phải giàu, có danh vọng và là người bản địa. Làng xã tự chi phí hoạt động dựa trên quĩ đất công. Đến năm 1945 còn rất nhiều công điền là di tích của công xã6 chiếm tới 1/5 tổng diện tích ruộng cả nước. Toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer viết: “Theo cách tổ chức này thì mỗi làng xã sẽ là một nước cộng hòa nhỏ, độc lập trong giới hạn những quyền lợi địa phương. Đó là một tập thể được tổ chức rất chặt chẽ, rất có kỉ luật, và rất có trách nhiệm”.

Từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, cộng đồng dân cư cả nước nói chung đặc biệt là cộng đồng nông thôn diễn ra những đảo lộn to lớn. Từ 1946 - 1956, chiến tranh, quân pháp xâm lược, chỉnh đốn tổ chức đã chuyển cơ chế quản lý bán tự chủ ở nông thôn Miền Bắc sang quản lý hành chính. Di cư công giáo từ miền Bắc vào Nam và tập kết cán bộ miền Nam ra Bắc, xây dựng kinh tế mới, vận động hợp tác xã thay đổi mạnh kết cấu cộng đồng nông thôn.

Ở miền Nam từ năm 1945 - 1975, chiến tranh ác liệt, di tản từ nông thôn ra đô thị, chính sách dồn dân, xây dựng dinh điền. Sau ngày thống nhất, di tản, đưa dân đi kinh tế mới, hợp tác hóa, tiến hành tập thể hóa và công hữu hóa đất đai. Vai trò của các tổ chức cộng đồng thay bằng cơ quan hành chính và đoàn thể chính trị. Các hoạt động văn hóa truyền thống đình trệ, không gian làng quê thay đổi.

Từ Đổi mới giữa thập kỷ 1980, bên cạnh cơ chế và tổ chức nhà nước, thị trường ngày càng phát huy tác dụng: lao động nông thôn di cư ra đô thị, nhiều nhóm dân tộc thiểu số từ miền núi phía Bắc chuyển vào Tây Nguyên. Các chương trình tái định cư lấy đất xây dựng công nghiệp, đô thị ở đồng bằng và thủy điện ở miền núi trộn lẫn các cộng đồng với sinh kế, tập tục, tôn giáo, dân tộc khác biệt nhau gây mất cân bằng về tuổi tác, giới tính ở nhiều vùng.

Quỹ đất công mất dần khi hợp tác xã tan vỡ và nông lâm trường sắp xếp lại đang tiếp tục mất khi địa phương bán, khoán, cho thuê lấy kinh phí đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Giao thông thuận tiện, phát triển văn hóa, xuất khẩu lao động, internet và truyền thông phổ cập, giúp khôi phục văn hóa cổ truyền đồng thời tái lập các hủ tục và du nhập văn hóa tôn giáo xa lạ đến nhiều vùng nông thôn xa xôi.

Cộng đồng nông thôn Việt Nam hiện không còn vị thế rõ ràng. Nó có thể có tài sản chung được giao đất, giao rừng nhưng không có quyền định đoạt (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn,…), quản lý tài nguyên nước có nêu, nhưng Luật chỉ cho lấy ý kiến như “bên liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng”. “Người dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn nông thôn” là đối tượng thụ hưởng và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng chỉ có vai trò bàn bạc mức đóng góp, tham gia các gói thầu, tham gia giám sát.

Thiết chế “cộng đồng” không có tính pháp lý, cộng đồng làng xã không phải là một “pháp nhân” (thành lập hợp pháp, có cơ quan điều hành, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm, tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập) để hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật được, càng không thể đóng vai trò đối tác phối hợp điều chỉnh các tổ chức nhà nước và thị trường đang hoạt động rất mạnh mẽ.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, muốn biến nông dân thành chủ thể của quá trình phát triển nông thôn thì phải dựa trên tổ chức cộng đồng. Bước căn bản là hình thành tổ chức cộng đồng cơ sở, gọi là làng mới (Saemaul Undong) ở Hàn Quốc, là công xã (Kibus) ở Israel. Đây là các tổ chức dân bầu, nhà nước giao đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ và phân cấp.

Hàn Quốc hỗ trợ ngân sách và trao quyền lập kế hoạch, quyết định quản lý, đánh giá đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, quản lý đất đai trồng rừng, xây dựng hợp tác xã và doanh nghiệp nông thôn. Israel hỗ trợ phát triển nông trường, công xưởng, phân cấp quản lý kinh tế, xã hội nông thôn; giao quyền cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, quốc phòng. Cộng đồng nông thôn trở thành các tổ chức kinh tế sản xuất hiệu quả và còn là địa bàn phát triển văn minh và đơn vị phòng thủ quân sự, an ninh xã hội ổn định.

Như vậy, với quyết tâm của “nhà nước kiến tạo phát triển” và sức mạnh truyền thống dân tộc, nhiều quốc gia nghèo khó trong một thời gian ngắn đã tổ chức lại thành công cộng đồng nông thôn, biến nó thành bệ phóng kinh tế xã hội đưa đất nước lên hùng cường. Kinh nghiệm Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, Nepal,… cho thấy nội lực duy nhất của nông thôn có thể cân bằng lại với sức mạnh khách quan của thị trường và lợi thế nhà nước của đô thị. Trong cạnh tranh toàn cầu, với đe dọa quốc phòng và biến đổi khí hậu quyết liệt, xã hội nông thôn phải đứng chân trên nền tảng cộng đồng vững mạnh.

Đó là kết luận của Tổng thống Hàn Quốc Park-Chung Hee phải “khai thác được tinh thần chăm chỉ, tự vượt khó khăn, và hợp tác tiềm ẩn trong mỗi thành viên sống trong khu vực nông thôn” để “tất cả các làng, xã nông thôn sẽ trở thành nơi sinh sống thịnh vượng” giữa giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa.

Ngược lại, nhiều nước khác ở Nam Á, châu Phi, của Liên Xô cũ, Myanmar, Nam Tư,... dựa hẳn vào các trung tâm kinh tế công nghiệp và đô thị giầu có dẫn dắt kinh tế nông thôn đã thất bại; nhà nước không thể phân phối lại ngân sách nhà nước thu từ các địa phương động lực chính để chia cho chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, phát triển miền núi, trợ giúp dân tộc ít người.

Chỉ đạo chính trị của các đảng phái từ trung ương, dự án của nhà nước, viện trợ quốc tế, tiền của đầu tư của doanh nghiệp không đủ sức quản lý, hỗ trợ, nâng đỡ lên những địa bàn số cư dân nông dân đông đảo, địa bàn nông thôn rộng lớnđối lập với sức mạnh khủng khiếp của thị trường đang rút đi mọi tài nguyên, để lại người già, trẻ em và các nhóm yếu thế, đẩy về đây chất thải, nghĩa trang, tàn phá môi trường.

>> Đón đọc Bài 3 - Những việc phải làm

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển nông nghiệp: Bài 2 - bài học trong và ngoài nước tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714323862 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714323862 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10