Thêm tiếng nói bác bỏ Luật Hải cảnh của Trung Quốc

Diendandoanhnghiep.vn Ngoại trưởng Philippines, ông Teodoro Locsin Jr. vừa lên tiếng bác bỏ Luật Hải cảnh của Trung Quốc.

Luật Hải cảnh được Trung Quốc thông qua vào ngày 22/1 năm nay, cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài, một động thái có thể làm căng thẳng tình hình ở Biển Đông.

Luật này trao quyền cho Hải cảnh Trung Quốc “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm trái phép trên biển”.

Tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Ngay sau khi Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh, Philippines đã phản đối ngoại giao, gọi luật của Trung Quốc là “dùng lời lẽ đe dọa chiến tranh” với mọi quốc gia.

Hôm qua (23/5), Ngoại trưởng Philippines, ông Teodoro Locsin Jr.  Đã lên tiếng bác bỏ Luật Hải cảnh của Trung Quốc.

Theo Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. Luật Hải cảnh Trung Quốc 'không tồn tại' trong phạm vi lãnh hải Philippines và chỉ có hiệu lực trong lãnh hải Trung Quốc.

Phản ứng này được đưa ra khi để phản bác tuyên bố mới nhất của cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao đã nghỉ hưu Antonio Carpio rằng Luật Hải cảnh Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh không chỉ của Philippines mà còn đối với các quốc gia tranh chấp khác ở Biển Đông.

“Tôi bác bỏ việc nó (Luật Hải cảnh) được nghiên cứu như thể áp dụng cho lãnh hải của chúng tôi. Không phải vậy. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục ra khơi ở vùng biển của mình như thể Luật Hải cảnh không tồn tại; chúng tôi phản đối việc thực thi luật này… Trung Quốc hay Philippines đều có thể viết bất kỳ luật nào nhưng chỉ có giá trị trong lãnh hải của mình mà thôi”. - Ông Locsin đăng một tweet.

Thực tế, ngay từ lúc còn là dự thảo cho đến khi chính thức có hiệu lực, Luật Hải cảnh của Trung Quốc đã vấp phải làn sóng phản đối của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và Philippines. Nhiều quốc gia lo ngại, khi thực thi luật này, Trung Quốc có thể thực hiện nhiều hành động gây hấn hơn tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Giáo sư Jay Batongbacal của Đại học Philippines, cho rằng: “Về cơ bản, Luật cho phép Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực để thực thi quyền hạn tại những vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền”.

Đáng chú ý, luật mới này cũng cho phép Hải cảnh Trung Quốc phá dỡ các cơ sở của nước ngoài được xây dựng trên các bãi đá ngầm và các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, cũng như thiết lập vùng cấm để ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài.

Theo chuyên gia Jay Batongbacal, luật này đang đặt ra “vấn đề lớn”, có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh việc khẳng định các yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông. Hay nói một cách khác, Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến trình “thôn tính Biển Đông”, dù Bắc Kinh đang đàm phán với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.

Đồng quan điểm trên, Thượng nghị sĩ Francis Tolentino, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippines, cho biết: “Theo luật pháp quốc tế, chẳng hạn như Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982, việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp đều bị cấm. Có rất nhiều luật lệ đang bị vi phạm ở đây”.

Tàu Hải cảnh 3901 của Trung Quốc. Ảnh: CGC

Tàu Hải cảnh 3901 của Trung Quốc. Ảnh: CGC

Cùng với Philippines, Nhật Bản cũng đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ đối với Luật Hải cảnh của Trung Quốc. NHK dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản nêu rõ, luật này có thể làm “lung lay trật tự dựa trên luật pháp quốc tế”.

Ông Iida Masafumi, chuyên gia an ninh tại Viện nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản cho rằng, khả năng lực lượng Hải cảnh Trung Quốc sẽ thể hiện đầy đủ năng lực của họ khi căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Do vậy, Tokyo nên đề cao cảnh giác.

Phản ứng trước việc Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh, mới đây Việt Nam cũng lên tiếng yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc qia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

"Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó". - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói.

"Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông". - Bà Hằng nhấn mạnh.

Cho ý kiến về vấn đề này, PGS-TS Vũ Thanh Ca cho rằng, trong Biển Đông, tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” trong vùng biển xác định theo “đường lưỡi bò”, chồng lấn với vùng biển của nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông, đã bị Tòa Trọng tài thường trực thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS bác bỏ.

Bằng cách sử dụng những quy định mơ hồ “vùng biển thuộc quyền tài phán”, Luật Hải cảnh của Trung Quốc không chỉ nhắm tới vùng biển hợp pháp của Trung Quốc mà chắc chắn là nhắm tới cả vùng biển tuyên bố “quyền tài phán” phi pháp của Trung Quốc.

"Như vậy, luật này trao cho Hải cảnh Trung Quốc quyền nổ súng vào người dân và các tàu của chính phủ, tàu quân sự không những của các quốc gia ngoài Biển Đông thực hiện tự do hàng hải, hàng không mà còn của các quốc gia xung quanh Biển Đông hoạt động trong vùng biển của mình xác định hợp pháp theo UNCLOS.

Ngoài các quy định nêu trên, Luật Hải cảnh của Trung Quốc còn có nhiều điều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, về quyền đi qua vô hại trong lãnh hải và quyền tự do hàng hải, hàng không của tất cả các tàu thuyền và thiết bị bay nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, cũng như các quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển và đảo". - PGS-TS Vũ Thanh Ca phân tích.

Theo ông Vũ Thanh Ca, ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc xác lập theo UNCLOS, các quy định nêu trên trong Luật Hải cảnh Trung Quốc đã trái với UNCLOS và nguy hiểm. Đối với vùng biển tuyên bố quyền chủ quyền và quyền tài phán sai trái của Trung Quốc trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc theo “Tứ Sa”, các quy định này lại càng nguy hiểm.

Theo đó, Luật này sẽ biến tàu thuyền của các quốc gia ven biển hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình xác lập theo UNCLOS thành các hoạt động bất hợp pháp và là đối tượng để lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tấn công, trục xuất, thậm chí nổ súng.

Như vậy, Luật Hải cảnh của Trung Quốc đã cho phép Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực không chỉ trong vùng biển hợp pháp của Trung Quốc mà còn cả trong vùng biển hợp pháp của nhiều quốc gia khác xung quanh Biển Đông và biển Hoa Đông, như vậy là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia xung quanh Biển Đông và ở khu vực biển Hoa Đông.

Với các lý do nêu trên, Luật Hải cảnh Trung Quốc là một luật rất nguy hiểm cho hòa bình và an ninh khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông. Chắc chắn rằng các quốc gia ven biển Đông không cho phép Trung Quốc tự do bắt giữ, “trục xuất”, thậm chí bắn các dân sự, tàu chiến, tàu chính phủ của mình hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình xác lập theo UNCLOS.

Bởi vậy, những hoạt động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trái pháp luật của Trung Quốc sẽ tạo cớ cho các xung đột vũ trang. Các xung đột vũ trang do Hải cảnh Trung Quốc gây ra có thể leo thang, gây mất ổn định trên khu vực và trên thế giới.

Từ phân tích trên, PGS-TS Vũ Thanh Ca cho rằng, cộng đồng quốc tế cần phải có những nỗ lực quốc tế để kiềm chế những quy định và hoạt động sai trái của Trung Quốc. Các nỗ lực này cần được thể hiện về mặt ngoại giao như Nhật Bản và Philippines đã gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như khẳng định luật này là nguy hiểm cho các hoạt động tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Mỹ, Anh, Đức và một số quốc gia khác đã cử tàu vào Biển Đông để vô hiệu hóa luật này.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước xung quanh Biển Đông và các nước lớn có quyền lợi về tự do hàng hải, hàng không, cần phải tạo tiếng nói đồng thuận để bác bỏ Luật Hải cảnh của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc sửa luật, tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế và làm rõ phạm vi “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thêm tiếng nói bác bỏ Luật Hải cảnh của Trung Quốc tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714237237 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714237237 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10