Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cần phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện

Diendandoanhnghiep.vn Theo VCCI, hộ kinh doanh có những đặc điểm rất khác biệt so với doanh nghiệp, hoạt động nhỏ lẻ, đơn giản, do đó việc thiết kế thủ tục đăng ký kinh doanh cũng cần phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện…

>> Cân nhắc bổ sung quy định về đăng ký thuế lần đầu với hộ kinh doanh

Theo đó, trả lời Công văn số 7309/BKHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay và chiếm một số lượng khá đông đảo (khoảng 05 triệu hộ kinh doanh). Các quy định hiện hành để công nhận và xác định địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh còn chưa rõ ràng: hộ kinh doanh là chủ thể kinh doanh như thế nào so với các chủ thể kinh doanh khác trong nền kinh tế như doanh nghiệp, hợp tác xã.

VCCI vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh - Ảnh minh họa: ITN

VCCI vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh - Ảnh minh họa: ITN

Việc xây dựng một văn bản quy định về hộ kinh doanh là cần thiết, tuy nhiên, Dự thảo hiện tại chỉ đang tập trung vào các quy định liên quan đến đăng ký hộ kinh doanh – các thủ tục gia nhập thị trường, chưa có các quy định về quá trình hoạt động sau khi đăng ký kinh doanh (ví dụ như: mối quan hệ lao động giữa các thành viên trong hộ kinh doanh, vấn đề tiền lương, tiền công, vấn đề thuế trong hộ kinh doanh; …). Nếu Dự thảo chỉ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh thì chúng tôi kiến nghị đổi tên của Nghị định là “Nghị định về đăng ký hộ kinh doanh”. 

Theo VCCI, hộ kinh doanh có những đặc điểm rất khác biệt so với doanh nghiệp, hoạt động nhỏ lẻ, đơn giản, do đó việc thiết kế thủ tục đăng ký kinh doanh cũng cần phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện, để thu hút các chủ thể này thực hiện hoạt động đăng ký. Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo đã thể hiện tinh thần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuy nhiên, vẫn cần xem xét một số quy định như:

Về xác định “Hộ kinh doanh” - Dự thảo đưa ra hai phương án quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh: Phương án 1 - giữ nguyên quy định hiện hành, đối tượng thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình; Phương án 2 - Đối tượng thành lập hộ gia đình chỉ là cá nhân

Góp ý quy định này, theo VCCI, hiện nay, theo số liệu thống kê của các cơ quan đăng ký kinh doanh, hộ gia đình đăng ký kinh doanh chủ yếu là cá nhân. Cơ quan thuế hiện nay cũng quản lý hộ kinh doanh theo mã số cá nhân và những xử lý liên quan đối với hộ gia đình đều xử lý đối với cá nhân. Như vậy, việc quy định đối tượng thành lập hộ gia đình là cá nhân, là phù hợp về mặt thực tiễn.

Tuy nhiên, hộ gia đình là chủ thể kinh doanh có tính lịch sử, việc thay đổi về khái niệm này có thể tác động đến các quy định liên quan đến hộ gia đình, và cần nghiên cứu một cách kĩ lưỡng.

“Vì vậy, trước mắt, đề nghị Ban soạn thảo lựa chọn phương án 1, giữ nguyên như quy định hiện hành. Về mặt lâu dài, đề nghị quy định hộ kinh doanh là chỉ do cá nhân thành lập”, VCCI góp ý.

>> Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản

Theo VCCI, hộ kinh doanh có những đặc điểm rất khác biệt so với doanh nghiệp, hoạt động nhỏ lẻ, đơn giản, do đó việc thiết kế thủ tục đăng ký kinh doanh cũng cần phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện - Ảnh minh họa: ITN

Theo VCCI, hộ kinh doanh có những đặc điểm rất khác biệt so với doanh nghiệp, hoạt động nhỏ lẻ, đơn giản, do đó việc thiết kế thủ tục đăng ký kinh doanh cũng cần phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện - Ảnh minh họa: ITN

Bên cạnh đó, về việc ghi ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh, theo VCCI, quy định tại khoản 1 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP việc ghi ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh là ghi tự do, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Dự thảo đã sửa đổi quy định này theo hướng, hộ kinh doanh lựa chọn ngành nghề cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh chính và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của hộ kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký kinh doanh (khoản 2 Điều 12 Dự thảo).

Theo giải trình tại Tờ trình, việc yêu cầu hộ kinh doanh ghi ngành nghề kinh doanh chính theo mã ngành cấp 4 và ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện xuất phát từ các nguyên nhân: (1) Phù hợp với vấn đề quản lý của các cơ quan quản lý chuyên ngành, khi các cơ quan này có thể sẽ yêu cầu hộ kinh doanh phải có giấy tờ xác nhận các ngành, nghề kinh doanh mà hộ kinh doanh đang hoạt động kinh doanh khi thực hiện hoạt động rà soát, kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh khi hoạt động kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;

(2) Hệ thống VSIC được thiết kế theo chuẩn quốc tế, trên cơ sở Hệ thống ngành ISIC mà các nước trên thế giới đang áp dụng. Nội hàm cụ thể của từng ngành, nghề đã được giải thích cụ thể trong VSIC, do đó việc mã hóa ngành, nghề kinh doanh theo VSIC có đóng góp tích cực trong công tác thống kê, hoạch định chính sách phát triển đối với hộ kinh doanh và sau cùng là đảm bảo quyền lợi của hộ kinh doanh trong nền kinh tế;

(3) Việc hộ kinh doanh tự ghi ngành, nghề kinh doanh cũng nhằm đảm bảo tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của hộ kinh doanh với tư cách là một thực thể có đóng góp tích cực trong nền kinh tế. Theo đó, hộ kinh doanh vừa có thể xác định một cách chính xác ngành, nghề phù hợp nhất với nhu cầu và điều kiện kinh doanh, vừa có cơ hội tìm hiểu chính sách, ưu đãi để đảm bảo quyền lợi tối đa của mình khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

Góp ý vấn đề đã nêu, VCCI cho rằng, việc yêu cầu hộ kinh doanh phải ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh chính theo mã ngành cấp 4 và ghi ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với những lý do trên, cần được xem xét, cân nhắc ở các điểm như:

Lý do (1) - hiện nay, trong các văn bản chuyên ngành quy định về điều kiện kinh doanh không còn có quy định chủ thể kinh doanh phải đăng ký kinh doanh trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Từ năm 2020, thực hiện Nghị quyết 68/CP về cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, các Bộ đã xây dựng các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo hướng bỏ các yêu cầu chủ thể kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp/hộ kinh doanh trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc cắt giảm này nhằm đảm bảo thống nhất với tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp về đăng ký kinh doanh khi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Vì vậy, các quy định hướng dẫn về đăng ký kinh doanh không nên đi ngược lại tinh thần cải cách đã thể hiện tại Luật Doanh nghiệp cũng như các hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ mà Chính phủ đang thực hiện các năm gần đây;

Lý do (2), (3) - việc thống kê các ngành nghề đăng ký kinh doanh là cần thiết cho hoạt động quản lý nhà nước. Rõ ràng, mục tiêu của việc ghi các ngành nghề khi đăng ký kinh doanh tập trung chủ yếu vì mục tiêu thống kê. Việc yêu cầu các chủ thể kinh doanh phải ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành cấp 4 sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong việc thống kê. Tuy nhiên, để xác định được ngành nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành cấp 4 lại khá khó khăn đối với các chủ thể đăng ký kinh doanh.

Theo VCCI, trong các góp ý trước đây về vấn đề này, VCCI đã phản ánh rất nhiều lần về những khó khăn, bất cập của doanh nghiệp khi phải ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành cấp 4. VCCI không kiến nghị bỏ việc ghi mã ngành cấp bốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi, bổ sung ngành nghề, bởi, việc xác định ngành nghề trong thủ tục đăng ký kinh doanh nhằm phục vụ cho các mục tiêu quản lý nhà nước, VCCI kiến nghị xác định chủ thể phải thực hiện việc ghi mã ngành này là cơ quan quản lý Nhà nước thay vì yêu cầu doanh nghiệp. Bởi, cơ quan Nhà nước có thể dựa vào các ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký để xác định các nhóm, phân nhóm phù hợp để phục vụ cho mục tiêu thống kê hoặc các mục tiêu quản lý khác.

Dù doanh nghiệp đăng ký ngành nghề nào có hay không trong có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, miễn là không phải là ngành nghề cấm kinh doanh, thì doanh nghiệp cũng sẽ được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật, do đó việc xác định mã ngành nghề nào tại thời điểm đăng ký kinh doanh là ít ý nghĩa – nếu xét ở góc độ của doanh nghiệp.

“Việc Dự thảo yêu cầu hộ kinh doanh phải ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh chính theo mã ngành cấp 4 là chưa phù hợp, gây khó khăn cho các chủ thể đăng ký kinh doanh. Mặt khác, Dự thảo cũng như các quy định hiện hành chưa có quy định như thế nào được cho là “ngành, nghề đăng ký kinh doanh chính”, điều này có thể gây khó khăn trong quá trình đăng ký kinh doanh”, VCCI góp ý.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh khi đăng ký kinh doanh ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh mà mình muốn kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ dựa vào thông tin này để xác định mã ngành cấp 4 để thực hiện cho hoạt động thống kê.

Cùng với các vấn đề đã nêu, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số nội dung liên quan đến: Sử dụng số định danh cá nhân trong thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh (Điều 15); Thông báo lập địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh (Điều 20); Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo của hộ kinh doanh, địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh (Điều 26); Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (Điều 30); Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (Điều 45).

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cần phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714632853 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714632853 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10