Tiếp tục nghiên cứu vị trí ga ngầm đường sắt cạnh Hồ Gươm

Diendandoanhnghiep.vn “Quan điểm của Bộ GTVT đây là việc làm rất thận trọng của Hà Nội, ga số 9 và các ga khác đều có tiêu chí lựa chọn như thu hút hành khách, vận hành… lấy ý kiến chuyên gia, người dân…”.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Đông nhấn mạnh như vậy tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối ngày 30/8.

Trả lời câu hỏi về tuyến đường sắt đô thị số 2 và nhà ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Đông cho rằng Hà Nội cần nghiên cứu thận trọng trước khi quyết định.

Theo ông, các phương án được chọn đều có đánh giá chuyên môn. Việc lựa chọn vị trí ga ngầm đảm bảo các tiêu chí như thu hút hành khách, hiệu quả vận tải, đồng thời có tham vấn chuyên gia và các cơ quan; công khai lấy ý kiến người dân.  

Với phần ga ngầm C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 hồ Hoàn Kiếm, ông Đông cho rằng, theo chức năng, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cần có ý kiến về quản lý các di tích và giải quyết việc này trên cơ sở đánh giá tác động môi trường, bảo vệ di tích...Hà Nội sẽ phải tiếp tục nghiên cứu và báo cáo các cấp có thẩm quyền, đảm bảo công năng của ga C9 và đảm bảo bảo vệ di tích.

Trước đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng, kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2.

Theo Ủy ban, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu "không chỉ vi phạm Luật di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô".

Trước nhận định trên, ông Lê Trung Hiếu - Phó Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, từ năm 2008, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án trong đó có vi trí nhà ga C9 (ga hồ Gươm) đã được phê duyệt. Đến năm 2013, Thủ tướng mới ký quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử danh thắng Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn.

Theo ông Hiếu, quá trình trình cấp giấy chứng nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ở khu vực hồ Gươm lại không cập nhật vị trí đặt ga C9 (đã được quyết định trước từ năm 2008).

Dưới góc độ là người làm kỹ thuật, ông Hiếu nêu quan điểm: “Công trình này không vi phạm Luật Di sản văn hóa, vì nhà ga C9 đưa hành khách đến tham quan di tích, đây cũng là công trình mang tính chất phục vụ khu vực hồ Gươm”.

Ông Hiếu cho biết, quá trình nghiên cứu vị trí đặt nhà ga C9 hiện nay là khả thi nhất. Hiện nay cũng không còn phương án nào đặt vị trí nhà ga C9 và đường ống tàu điện ngầm khu vực này. Bởi vị trí đặt ga C9 còn liên trực tiếp đến hướng tuyến và hai ga kế tiếp (ga C8 – đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và ga C10 – đặt tại đường Hàng Bài).

Được biết, để tạo sự đồng thuận cho dự án, TP Hà Nội sẽ tiếp tục giải trình thêm, báo cáo thêm các ý kiến Ủy ban Văn hóa. Hiện tại, UBND TP đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ý kiến về vấn đề này theo đúng quy định.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tiếp tục nghiên cứu vị trí ga ngầm đường sắt cạnh Hồ Gươm tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714139681 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714139681 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10