Trung Quốc tuyên bố lập “Tây Sa” và “Nam Sa”: Không có giá trị!

Diendandoanhnghiep.vn Trong khi thế giới đang tập trung chống COVID-19 thì Trung Quốc lại lợi dụng cơ hội gia tăng các hành động đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông, cụ thể là tuyên bố lập “Tây Sa” và “Nam Sa”.

Vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi đầu tháng 4/2020 khiến Biển Đông trở thành tâm điểm chú ý của thế giới còn chưa dứt, thì ngày 18/4 vừa qua, mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) lại ngang nhiên đưa tin, Trung Quốc thành lập "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ảnh vệ tinh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tháng 1/2018. Ảnh: CSIS.

Ảnh vệ tinh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tháng 1/2018. Ảnh: CSIS.

Hai quận này được gọi là Tây Sa và Nam Sa. Tây Sa và Nam Sa là tên Trung Quốc dùng lần lượt để gọi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Theo CGTN, quận Tây Sa quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trung Sa cùng các vùng biển xung quanh và chính quyền huyện đặt ở đảo Phú Lâm. Còn quận Nam Sa quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh và chính quyền đặt ở đá Chữ Thập. Đây là một trong 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp.

Còn nhớ, hồi năm 2012, Trung Quốc ngang nhiên lập cái gọi là thành phố Tam Sa để tự cho mình có quyền quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Ngay lúc đó, Việt Nam và các nước trên thế giới đã lên tiếng phản đối, thế nhưng âm mưu độc chiếm hai quần đảo này của Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt.

Bình luận về vấn đề này, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khẳng định: Cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô căn cứ, không có giá trị, vì vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Có thể nhận thấy, trong các phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới”. – Bà Lê Thị Thu Hằng - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Trước đó, trong các phát ngôn chính thức, Việt Nam cũng nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó, và không có những việc làm tương tự trong tương lai.

Lật lại lịch sử, có thể nhận thấy, từ trước khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, Việt Nam đã xác định chủ quyền và được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý. Và Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Trong Công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 30/3 vừa qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhắc lại: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (Công ước) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa, nhưng vì Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng nên đã vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Điều 2 (4) của Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc”.

Ngoài ra, Nghị Quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1970 cũng quy định rõ không chấp nhận việc dùng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác. Thực tế, Trung Quốc đang chiếm đóng các cấu trúc này, nhưng Trung Quốc vẫn không thể có chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này. Do đó, tuyên bố lập “Tây Sa” và “Nam Sa” lần này cũng vi phạm luật biển quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS).

Tại Công hàm ngày 30/3 gửi Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng tuyên bố rõ ràng: “Các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng". Quan điểm này dựa trên nguyên tắc quan trọng của luật biển quốc tế “đất thống trị biển”. Đây là một nguyên tắc chung của luật quốc tế, được phát triển từ luật tập quán quốc tế và qua các phán quyết của các toà án quốc tế.

Là chính quyền địa phương thuộc thành phố Đà Nẵng, trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 19/4 vừa qua, ông Võ Ngọc Đồng - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cũng đã ra thông cáo phản đối việc Trung Quốc thành lập "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa".

"UBND huyện Hoàng Sa kiên quyết phản đối việc Trung Quốc ban hành quyết định thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa". Lập trường này đối với cái gọi là thành phố Tam Sa cũng đã được nêu rõ tại nghị quyết số 26/2012/NQ-HĐND ngày 4-7-2012 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng và các tuyên bố của UBND huyện Hoàng Sa trong suốt thời gian qua". - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa nhấn mạnh.

Đồng thời khẳng định: "Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hành động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và trái với các thỏa thuận giữa hai nước và khu vực, làm phức tạp tình hình ở khu vực Biển Đông và tổn hại đến các nỗ lực hợp tác giữa các nước. UBND huyện Hoàng Sa kịch liệt phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay lập tức quyết định sai trái trên, chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam".

Ở góc độ nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Sỹ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học, cho rằng: Hành động của Trung Quốc lúc này là đi ngược xu thế hòa bình, hợp tác giữa các quốc gia.

“Xu thế hợp tác hòa bình và phối hợp giữa các quốc gia với nhau trong tình hình hiện nay. Tôi nghĩ là các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân theo luật pháp quốc tế. Những việc gì chúng ta bất đồng với nhau thì nên thảo luận để giải quyết chứ không phải là tự tiện làm những việc trái với luật pháp quốc tế hiện nay. Tôi nghĩ Trung Quốc phải tôn trọng các luật pháp quốc tế và có sự hợp tác tốt với tất cả quốc gia để cùng giải quyết các vấn đề còn tranh cãi”. - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Sỹ Tuấn nói.

"Thừa nước đục thả câu", "đục nước béo cò", "khiêu khích bất hợp pháp"... là những cụm từ báo chí trong nước và quốc tế đối với những đòi hỏi phi lý của của Trung Quốc trong thời điểm này.

Đúng vậy, từ tháng 3 đến nay, Trung Quốc liên tục có nhiều hành động gây rối ở các vùng biển kéo dài từ biển Hoa Đông đến Biển Đông, với một loạt động thái quân sự. Việc thành lập 2 huyện trên là động thái mới nhất trong chuỗi hành động “thừa nước đục thả câu” khi thế giới đang tập trung ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Chiêu trò này không thể giúp Trung Quốc đạt được mục đích mà trái lại còn khiến cộng đồng quốc tế giận giữ, lên án. Ông Gregory Poling - Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), chương trình theo dõi tình hình Biển Đông thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), khẳng định: “Mưu đồ của Trung Quốc là kiểm soát khu vực” thông qua hải quân, lực lượng hải cảnh và đội tàu dân quân biển. Ông dự đoán mưu đồ của Trung Quốc sẽ không dừng lại cho đến khi buộc được các chính phủ ở Đông Nam Á phải chấp nhận những thỏa thuận có lợi Bắc Kinh”.

Chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế Grigory Trofimchuk cũng cho rằng:"Biển Đông không chỉ là vấn đề trong quan hệ Việt-Trung, vấn đề của các nước Đông Nam Á, mà còn là một trong những vấn đề quan trọng đối với Liên Hợp Quốc… Hiện nay không có bất cứ cơ chế nào đảm bảo ngăn ngừa một cuộc xung đột toàn cầu khởi đầu từ khu vực này, cộng đồng quốc tế cần sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề Biển Đông”.

Có thể với sức mạnh quân sự hùng hậu, Trung Quốc đã chà đạp lên tất cả, bất chấp mọi lý lẽ để đạt được mục đích. Song chủ quyền quốc gia phải được chứng minh bằng những bằng chứng lịch sử rõ ràng chứ không phải đất nước nào muốn chiếm là chiếm, không phải dùng vũ lực để đạt được âm mưu phi pháp.

Cho dù thực lực quân sự của Việt Nam không bằng Trung Quốc, nhưng đổi lại Việt Nam là một đất nước anh hùng, dân tộc Việt Nam bất khuất. Trong mọi tình huống trên biển Đông, Việt Nam rất bình tĩnh đấu tranh với Trung Quốc bằng hoà bình và pháp lý. Với lập trường của mình, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế bởi những gì chúng ta đang đấu tranh là chính nghĩa.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc tuyên bố lập “Tây Sa” và “Nam Sa”: Không có giá trị! tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714730839 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714730839 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10