CẢM XÚC XUÂN: Sài Gòn ơi hẹn lại sang năm!

Diendandoanhnghiep.vn Dịch Covid-19 đã làm cho gia đình tôi lỗi hẹn với Sài Gòn vào dịp Tết này. Có một chút gì đó bâng khuâng trên gương mặt mọi người trong gia đình khi không được về quê nội vào dịp Tết.

Gia đình

Gia đình tác giả Lê Tấn Thời trong một lần đón tết tại Sài Gòn.

Hồi nhỏ được đi Sài Gòn là một cảm giác thú vị nhưng chen vào đó là những bực dọc với quãng đường dài khoảng 200 km từ Chợ Mới (An Giang) đến thành phố Hồ Chí Minh. Những chiếc xe đò thời bao cấp mãi gắn liền với tuổi thơ tôi trong những lần như thế.

Để có được những chiếc vé về quê nội, ba tôi phải xin công lệnh đi đường và xếp hàng từ giữa khuya để có mua vé. Thậm chí, phải nhờ các chú trông coi anh em tôi để đảm bảo có được những chiêc vé cho chuyến hành trình.

Câu ví von rằng “Bụng to như bụng xe đò” thật đúng với tình cảnh lúc đó. Lên xe thì chật ních người, nhiều khi phải ngồi ghế phụ, có khi phải đứng chờ đến lượt mình có ghế ngồi. Tuyến đường từ miền Tây qua các tình An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang rồi Long An thì lởm chởm ngồi xe mà tưởng như là đang đi thuyền!

Chưa hết, bắc Mỹ Thuận là nỗi ám ảnh không chỉ của gia đình tôi mà hầu như của tất cả mọi người dân miền Tây khi có dịp đi Sài Gòn. Cái cảnh phải chờ phà hàng tiếng đống hồ trở nên quen thuộc với tôi mỗi lần về quê nội. Giữa cái không khí nóng bức, bụi khói, ồn ào nhưng bắt buộc phải chờ vì hầu như không có lựa chọn nào khác. Mất cả ngày trời mới đến được Sài Gòn.

Chuyện ngày xưa mà dường như chỉ mới đây thôi! Giờ cầu Mỹ Thuận thông xe là niềm vui chung của người dân miền Tây. Thế là từ đây khỏi phải luỵ đò! Rồi cao tốc Trung Lương- thành phố Hồ Chí Minh hình thành, tuyến đường lại càng thêm rút ngắn thời gian. Rồi cầu Cao Lãnh thông xe, lại thêm hướng đi mới thuận lợi để về quê nội.

Trong khoảng thời gian không lâu, quãng đường từ Sài Gòn về miền Tây như được rút ngắn hơn bởi những chiếc cầu, những cung đường cao tốc cũng như những quốc lộ huyết mạch được nâng cấp, sửa chữa.

Chưa bao giờ đi Sài Gòn thuận lợi như bây giờ. Ngồi ở nhà điện thoại là có thể đặt vé, thậm chí có xe trung chuyển từ nhà đến bến. Lên Sài Gòn vào dịp Tết với biết bao cung bậc cảm xúc bởi vì không những được du ngoạn đến Thảo Cầm Viên, dinh Độc Lập, đường hoa Nguyễn Huệ… mà đây còn là dịp mà cả đại gia đình bên nội họp mặt trong những ngày đầu năm mới.

Những câu chuyện tưởng chừng như vô tận bất chấp khoảng không gian và thời gian. Những đứa cháu ở xa như chúng tôi luôn được ông bà nội và các cô chú, thím dành cho những tình cảm yêu thương nhiều nhất.

Bà nội tôi nấu ăn rất ngon. Vào dịp Tết, chúng tôi vừa được thưởng thức những món ăn ngon và học được nhiều điều hay trong gian bếp của bà. Tưởng chừng đâu chuẩn bị một bữa ăn cho gia đình thật đơn giản. Nào ngờ phải qua nhiều công đoạn và mất không ít thời gian mặc dù có nhiều thiết bị hỗ trợ cho công việc bếp núc.

Chỉ đơn giản là bữa ăn sáng nhưng cái hay của người đầu bếp là làm thế nào để dung hòa được cho khẩu vị cả nhà cũng là một nghệ thuật.

Năng động trong công việc nhưng khi bước chân vào bếp, chúng tôi chỉ là những cô cậu bé học việc không hơn không kém! Bàn tay như múa trước máy tính, smartphone bỗng dưng trở nên vụng về trước nồi niêu xoang chảo. “Con phải cắt hành tây thế này nè! Nếu không sẽ bị đứt tay đấy! Đeo kính vào để tránh cay mắt!”...

Mỗi lần vào bếp, tôi lại được nghe một câu chuyện lịch sử lí thú tưởng chừng là là chẳng liên quan gì đến ẩm thực. Như, để chuẩn bị cho việc đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ ra lệnh cho nữ tướng Bùi Thị Xuân lo việc quân lương với tiêu chí: Không tốn công nấu nướng, không dừng ngựa lại để nhằm đảm bảo cuộc chiến thần tốc giải phóng Thăng Long. Với tài khéo léo của mình, nữ tướng họ Bùi đã đóng góp công sức của mình vào chiến thắng Kỷ Dậu 1789 với hai món ăn trên lưng ngựa. Đó là  bánh tráng và bánh tét! Với bánh tráng những người lính Tây Sơn gọi là bánh Đống Đa. Lâu dần gọi tắt là bánh đa... Một kiến giải lí thú cho một món ăn dân dã mà khắp ba miền Trung Nam Bắc đều thịnh hành.

Trong thế giới ẩm thực với những biến tấu lung linh sắc màu của biết bao món ăn. Gian bếp nhà nội tôi vào những ngày Tết càng thêm ấm cúng khi hòa quyện vào đó tình yêu thương lan tỏa qua những bài học về lòng nhân ái, biết được giá trị truyền thống của người xưa đề từ đó có thêm những trải nghiệm sâu sắc trên bước đường đời.

Mỗi cái Tết về Sài Gòn có biết bao nhiêu điều hay và cảm xúc luôn lắng đọng trên chuyến xe trở về quê. Năm nay không được về Sài Gòn cảm giác như thiếu đi một cái gì đó trong những ngày tiết trời vào xuân, nhưng biết làm sao được bởi đảm bảo an toàn của mọi người trong mùa dịch COVID-19 là trên hết.

Sài Gòn ơi hẹn lại năm sau! 

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2021.

Bài vở xin gửi về email: camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết CẢM XÚC XUÂN: Sài Gòn ơi hẹn lại sang năm! tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714446966 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714446966 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10