Chưa khi nào trên thị trường thuốc tân dược xảy ra những diễn biến nóng hổi như thời điểm vừa qua với 2 mặt hàng: Khẩu trang y tế và nước rửa tay sát khuẩn.
Mới đây, hình ảnh người người ròng rã, chầu chực, chen lấn, xô đẩy khiến tình trạng giao thông hỗn loạn… tại chợ sỉ thuốc tây lớn nhất TP.HCM (đường Nguyễn Giản Thanh, Quận 10) từ rạng sáng 16/2 để mua khẩu trang y tế đã và đang để lại những lo ngại nhất định cho vấn đề phòng chống dịch COVID-19.
COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan sang nhiều quốc gia, đã và đang diễn biến phức tạp ở nước ta, khiến thị trường thiết bị y tế, khẩu trang “nóng” lên chưa từng thấy.
Thậm chí, trong khi doanh nghiệp sản xuất “cật lực” thì không ít tư thương lợi dụng, găm hàng và bán ra nhỏ giọt để tạo cơn sốt ảo nhằm trục lợi. Còn người tiêu dùng thì bất bình, bức xúc vì phải mua sản phẩm với giá cao gấp 9-10 lần so với giá trị thực tế để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Ngành y tế cho biết cả nước hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế 3 lớp với năng lực sản xuất hơn 1,24 triệu chiếc/ngày, đủ để phục vụ người dân. Thế nhưng, sau thời gian phát sinh đại dịch, điểm yếu của ngành sản xuất khẩu trang nước ta lộ ra.
Điểm yếu đó là hầu hết nguyên liệu đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc mà nước này thì cũng đang thiếu nguyên liệu sản xuất, phải nhập từ nước khác. Nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang xác nhận hiện nguồn nguyên liệu để sản xuất khẩu trang rất căng thẳng, chỉ đủ để sản xuất trong thời gian ngắn.
Có thể bạn quan tâm
05:20, 19/02/2020
04:43, 19/02/2020
00:00, 19/02/2020
18:13, 18/02/2020
15:30, 18/02/2020
17:30, 16/02/2020
Tình trạng này đặt các bộ ngành chức năng trước một trách nhiệm nặng nề: Giúp các doanh nghiệp nhập nguồn nguyên liệu từ thị trường khác thay cho Trung Quốc, đó là cách đưa thị trường khẩu trang y tế sớm trở lại ổn định.
Song song, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan quản lý nhà nước (đặc biệt là Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương) cùng lực lượng chức năng ráo riết vào cuộc, xử lý mạnh tay với mọi trường hợp cố tình vi phạm hay trục lợi từ dịch bệnh do COVID-19 gây ra.
Từ việc tàng trữ, thu gom và tăng giá bán bất hợp lý đến chuyển bưu kiện chứa khẩu trang, nước rửa tay, thuốc sát trùng,… ra nước ngoài, thông qua kênh kinh doanh truyền thống hay thương mại điện tử đều bị xử lý bằng cách rút giấy phép kinh doanh và xử phạt hành chính mà không cần thanh tra, kiểm tra.
Thực tế, những ngày qua, các lực lượng chức năng dồn sức kiểm tra, phát hiện nhiều bưu kiện, xe hàng chứa hàng trăm nghìn chiếc khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ, giấy phép hợp lệ đang chuẩn bị được vận chuyển qua biên giới tiêu thụ. Việc xuất lậu những mặt hàng này vào thời điểm thị trường đang khan hiếm là hành vi khó chấp nhận, cần bị lên án và xử lý nghiêm khắc
Chẳng hạn, theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, từ ngày 31/1 đến 17/2, Cục đã xử lý hành chính 26 vụ với hơn 151 triệu đồng tiền phạt. Đồng thời, các đội quản lý thị trường đã tiêu hủy gần 6.000 khẩu trang y tế và tịch thu gần 20.000 khẩu trang các loại.
Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường TP.HCM, về tình hình khẩu trang tại TP.HCM tính đến ngày 17/2, thị trường vẫn khan hiếm do doanh nghiệp sản xuất không thể đáp ứng nhu cầu. Một số đối tượng lợi dụng tình hình này để sản xuất khẩu trang y tế kém chất lượng dưới nhiều hình thức như thu gom khẩu trang đã sử dụng để tái chế hay thay lớp lọc kháng khuẩn bằng giấy vệ sinh..v..v.
Mặt khác, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay cơ quan chức năng liên tục cảnh báo không nên tụ tập đến những chỗ đông người, nhưng như đã nói ở trên, hàng ngàn người vẫn chen chúc đi mua khẩu trang. Lỡ có một người đang ủ bệnh hoặc bị nhiễm bệnh thì sẽ rất nguy hiểm.
Từ thực tế trên cho thấy, chuyện cái khẩu trang sẽ còn “nóng” khi mà tình hình COVID-19 ngoài Việt Nam vẫn diễn biến khó lường, phức tạp. Để ngăn ngừa bệnh dịch, cũng như tránh bị xử phạt, hy vọng những người buôn bán hàng hóa nói chung, khẩu trang nói riêng hãy có lương tâm và sức khỏe cộng đồng.
Làm nghề nào cũng vậy, kinh doanh cũng thế, đừng bất chấp mọi giá mà bán rẻ lương tâm mình, nhất là lương tâm của những người được đào tạo trong ngành y, ngành cứu sống con người.