Cần "công khai thật chi tiết" các vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông

Diendandoanhnghiep.vn Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đã đưa ra đề xuất như vậy trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều nay (30/10).

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang).

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang).

Ông Hiếu cho biết, thực tế cho thấy, Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn xây dựng, bồi đắp (các thực thể trên Biển Đông) sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác, sử dụng.

“Các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian qua để đấu tranh trên Biển Đông không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc. Do đó, cần có thêm những biện pháp mới” – ông Hiếu nói và đề nghị công khai, cập nhật chi tiết hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ, để dư luận tiến bộ Việt Nam và trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc, được biết.

Ông Hiếu cho biết, trước kỳ họp Quốc hội, nhiều cử tri đã đề nghị đưa vi phạm của Trung Quốc ra toà án quốc tế, không chỉ kiện nước này vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông (xâm phạm bãi Tư Chính), mà phải kiện toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, xây công trình phi pháp, quân sự hoá ở Biển Đông suốt thời gian vừa qua. 

"Chúng ta có chính nghĩa, dư luận quốc tế và ngay cả người dân Trung Quốc sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc", ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm, Đại biểu Hà Nội - Trung tướng Trần Việt Khoa - ủy viên Quân ủy trung ương, giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiến hành ngoại giao trên cơ sở đấu tranh pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Trên thực địa, Quân ủy trung ương - Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình, tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, không thể chối cãi theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

"Trong tình hình hiện nay, với đặc điểm và những yếu tố tác động đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần phải có các giải pháp phù hợp để đấu tranh trong điều kiện mới, giữ vững môi trường hòa bình, độc lập để phát triển đất nước", Giám đốc Học viện Quốc phòng nói.

Trước đó, khi trình bày Báo cáo tình hình KT-XH năm 2019 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV sáng 21/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.

“Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng phát biểu.

Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hằng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ quan điểm: "Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982".

Theo bà Hằng, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực; không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép.

Bà Hằng cũng khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tiễn xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật gia có uy tín quốc tế. Do đó, không nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Cần "công khai thật chi tiết" các vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714283102 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714283102 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10