Phó Thủ tướng truy vấn tổng thầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông: "Các ông hứa bao giờ làm xong?"

Diendandoanhnghiep.vn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tổng thầu Trung Quốc cần có lời hứa về thời hạn hoàn tất thủ tục, đưa vào vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Sáng nay (1/10), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp đi thử tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Cùng đi với Phó Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng "truy vấn" với đại diện Tổng thầu dự án ngay trên tàu. Ảnh: NLĐ

“Chúng tôi đã chờ đợi và quá mức kiên trì rồi”

Đánh giá về dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian qua tiến độ triển khai công trình còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Trao đổi với ông Đường Hồng - Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông về tiến độ, chất lượng dự án khi lên tàu đi thử, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: "Bao giờ Tổng thầu thực hiện được các yêu cầu của chủ đầu tư, tư vấn để hoàn thành dự án và đưa vào khai thác?".

Đại diện tổng thầu Trung Quốc trả lời: "Tất cả những hồ sơ liên quan, những yêu cầu của tư vấn, chúng tôi đều cung cấp để phục vụ đánh giá dự án. Nếu cần cung cấp hồ sơ, cần giải trình, tài liệu, chúng tôi đều đáp ứng và đang đợi ý kiến cuối cùng của tư vấn độc lập". 

Giám đốc Dự án cũng cho rằng, Cát Linh - Hà Đông là Dự án đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, Việt Nam cũng lần đầu tiên có đường sắt trên cao nên các trình tự trong quá trình thực hiện dự án còn nhiều vướng mắc, nhiều cái mới mẻ, các bên cũng chưa có kinh nghiệm để thực hiện. 

“Nhưng quan trọng nhất là phải nghe tư vấn độc lập, họ là tư vấn quốc tế nên đơn vị thực hiện dự án phải tôn trọng cái chung.”- Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Trả lời Phó Thủ tướng, ông Đường Hồng cho hay: "Chúng tôi rất phối hợp, phối hợp toàn diện và chặt chẽ với đơn vị tư vấn".

“Việc đánh giá đang gặp một số vướng mắc về đơn vị đánh giá an toàn hệ thống tàu vào dự án hơi muộn. Theo quy định, đơn vị đánh giá phải vào dự án ngay từ khi xây dựng dự án, nhưng tư vấn vào dự án năm 2016 và lúc này tất cả các hạng mục dự án đã cơ bản hoàn thành”. - Giám đốc Dự án Đường Hồng thông tin đông tin thêm.

Theo ông Đường Hồng “khi họ vào dự án và yêu cầu chúng tôi cung cấp một số hồ sơ, nhưng có những hồ sơ thời gian đã qua rồi nên hoặc là có hoặc không bổ sung được. Vướng ở đó, chủ yếu là về hồ sơ".

"Chúng tôi ở đây càng kéo dài thời gian thì lợi nhuận cũng như thành quả càng kém, vì vậy chúng tôi cũng muốn hoàn thành nhanh để bàn giao, để giảm chi phí cho nhà thầu. Tổng thầu đã làm nhiều dự án tương tự ở Trung Quốc và đường sắt cao tốc cũng làm rất nhiều. Thông tin nói nhà thầu chúng tôi không có kinh nghiệm là không có cơ sở" - Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông nói.

“Các ông hứa bao giờ làm xong?", Phó thủ tướng hỏi lại sau khi nghe ông Hồng Đường giải thích. 

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho rằng, "bao giờ đưa vào vận hành khai thác chính thức thì không phải do nhà thầu chúng tôi quyết định mà do chủ đầu tư quyết định".

Phó Thủ tướng hỏi tiếp: “Vậy bao giờ dự án đủ điều kiện để chủ đầu tư chấp thuận đưa vào khai thác?”

Đại diện Tổng thầu cho biết: “Công trình đã hoàn thành 100%, hồ sơ đã trình và bàn giao, chúng tôi đang chờ ý kiến đánh giá cuối cùng của tư vấn độc lập.”.

Cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo, yêu cầu là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình hoạt động thì mới cho đưa vào vận hành, ông Dũng nhấn mạnh: “Chủ đầu tư cùng UBND TP đã rất chủ động về đội ngũ nhân lực, lái tàu giờ là của Hà Nội rồi, cho nên, yêu cầu tổng thầu phải đáp ứng các hồ sơ đánh giá an toàn để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống, thì mới cho hoạt động”.

"Chúng tôi đã chờ đợi kiên trì và bây giờ đã quá mức kiên trì chờ đợi rồi. Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Muốn vậy thì phải làm, không lý sự nhiều" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chốt lại cuộc trao đổi với Tổng thầu Trung Quốc.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ khai thác thương mại trong năm 2019

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận so với yêu cầu, dự án trễ 3-4 năm khiến Hà Nội rất tốn kém. Dự án đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, phần còn lại không nhiều, chủ yếu là khâu dự phòng.

Theo ông Nguyễn Văn Thể, trước khi dự án vận hành thương mại, các cơ quan phải tập trung vào nhóm công việc ưu tiên là đảm bảo an toàn; bổ sung biển báo giao thông để khi hệ thống lái tự động trục trặc thì lái thủ công vận hành kịp thời. Thông số bán vé tự động ở các ga chưa tương thích nên nhà thầu phải nghiên cứu không để xảy ra ách tắc. Các bên liên quan cũng phải chứng minh đảm bảo an toàn thiết bị đối với 13 đoàn tàu và hệ thống điều khiển tự động ở các trạm, ga.

Ông Thể cho biết, ngoài công tác nghiệm thu, Bộ GTVT còn thuê tư vấn kiểm định độc lập, khi nào an toàn mới chứng nhận. Không chứng nhận được an toàn hệ thống thì không thể vận hành.

"Các bên phối hợp để cố gắng trong 1 đến 1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại từng phần. Bộ cũng đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh một số cơ chế, chính sách giúp dự án vận hành sớm" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao. Dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Sau khi kết thúc 6 tháng thử nghiệm, dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này không thực hiện được do vướng 1% khối lượng dự án án chưa hoàn thành.    

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, việc triển khai dự án quá dài, Hà Nội phải làm thủ tục vay lãi để chuẩn bị công tác vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng; khoảng 1.000 người đã được tuyển dụng, đào tạo để phục vụ những phần việc này. "2 năm qua, chúng tôi đào tạo xong rồi nhưng dự án chậm tiến độ, hiện một số công nhân đã bỏ đi, trong khi đó từ năm 2018 thành phố mỗi năm trả lãi gần 300 tỷ đồng", ông Chung nói.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa vào hoạt động, khai thác thương mại trong thời gian sớm nhất. “Trong năm nay, Bộ GTVT phải đưa vào khai thác được. Yêu cầu nâng cao trách nhiệm nhà thầu, đề nghị tích cực hơn nữa để cùng với chủ đầu tư, ban quản lý, tư vấn khép lại hồ sơ đầy đủ theo đúng quy định”, Phó Thủ tướng nói.

Ông cũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là "phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động".

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông khởi công năm 2011, sau khi Việt Nam ký kết với Trung Quốc vay vốn tài trợ theo Hiệp định khung vào năm 2008.

Bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Đơn vị tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu và đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Đến nay, dự án đã ký kết 3 hiệp định vay gần 670 triệu USD từ Trung Quốc. Việc vay vốn Trung Quốc, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn cho dự án.

Tuy nhiên, phía Việt Nam cũng phải chấp nhận những ràng buộc, bất lợi như phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thực hiện khối lượng công việc có giá trị khoảng 13.751 tỷ đồng, chiếm 77% tổng vốn đầu tư dự án.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phó Thủ tướng truy vấn tổng thầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông: "Các ông hứa bao giờ làm xong?" tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714280446 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714280446 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10