Trung Quốc nên tuân thủ phán quyết Biển Đông!

Diendandoanhnghiep.vn Trung Quốc nên tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và có những cam kết đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ vốn tôn trọng quyền của tất cả các nước.

Hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Nguồn: Reuters

Hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Reuters

Cách đây đúng 5 năm, ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về luật Biển (UNCLOS) ra phán quyết rằng, không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc yêu cầu các quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên, vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định, trong các vùng biển nằm ở cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra. 

Đây cũng là một dấu mốc quan trọng trong các nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò tối thượng của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.

Tại thời điểm đó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) khi đó là Ban Ki-moon đã kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình và hòa giải thông qua đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Mỹ tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là "đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình" cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Hội đồng châu Âu (EC) kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hệ thống quốc tế, nhấn mạnh "trật tự quốc tế dựa trên quy định" sẽ đáp ứng được lợi ích chung và cần phải được bảo vệ. Philippines khẳng định tôn trọng quyết định mang tính bước ngoặt này, coi đây như một đóng góp quan trọng vào các nỗ lực nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Ảnh chụp đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông năm 2017 - Ảnh: AFP

Ảnh chụp đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông năm 2017 - Ảnh: AFP

5 năm sau, tầm quan trọng của phán quyết nói riêng và của UNCLOS 1982 nói chung trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông vẫn được cộng đồng quốc tế khẳng định.

“Đây là dịp để nhìn lại quá khứ, đánh dấu thành tựu của hiện tại, nhìn về tương lai và tìm cách làm việc cùng nhau vì lợi ích chung, vì không thể đạt được lợi thế nhỏ nào nếu vi phạm nó”. - Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tuyên bố.

Ông Teodoro Locsin cũng khẳng định, phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài tầm với của các chính phủ nhằm giảm bớt hoặc từ bỏ. Philippines hoan nghênh ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ phán quyết và điều đó đại diện cho chiến thắng của lý trí trước sự hấp tấp; của luật pháp trước sự rối loạn; của thân thiện trước tham vọng. 

Trong một thông điệp mới nhất nhân kỷ niệm 5 năm ngày tòa quốc tế ra phán quyết có lợi cho Philippines, phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra thông điệp cứng rắn khi khẳng định, tự do hàng hải là lợi ích lâu dài của tất cả các nước và là vấn đề sống còn đối với hòa bình và thịnh vượng toàn cầu.

Theo Ngoại trưởng Blinken, cộng đồng quốc tế đã từ lâu được hưởng lợi từ trật tự hàng hải dựa trên luật lệ nơi luật pháp quốc tế, được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, thiết lập khung pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương. Công ước này là cơ sở cho các hành động và hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải và quan trọng đối phó với việc đảm bảo dòng chảy tự do của thương mại toàn cầu.

Tương tự, trong một tuyên bố ngày 12/7/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhấn mạnh "phán quyết của Tòa Trọng tài là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên liên quan tới tranh chấp dựa trên các điều khoản của UNCLOS 1982". Theo Bộ trưởng Motegi, tất cả các yêu sách ở Biển Đông cần phải dựa trên các điều khoản liên quan của UNCLOS, đồng thời khẳng định lại sự phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Cho ý kiến về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Canada cũng tái khẳng định rằng "phán quyết của PCA là dấu mốc ý nghĩa và cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông”, đồng thời nêu rõ tất cả các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Canada tuyên bố “ủng hộ các quyền thương mại, hàng hải và hàng không cũng như các quyền chủ quyền và tài phán của các nước ven  Biển Đông, được thực hiện theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. 

Về phía Việt Nam, trong buổi họp báo chiều 12/7/2021, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán.

Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước).

“Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Nhân dịp này, Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở Công ước.

Có thể khẳng định, phán quyết Biển Đông được xem là phán quyết mang tính lịch sử, trong đó, lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế có tư cách pháp nhân bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc trong phạm vi đường lưỡi bò, thực chất là bác bỏ đường lưỡi bò, xác định nó không có cơ sở pháp lý và cũng bác bỏ luôn cả quyền lịch sử đối với tài nguyên bên trong đường lưỡi bò…

Đây cũng là lần đầu tiên Toà đã ra bộ quy chế về pháp lý đầy đủ về các cấu trúc trên biển, lần đầu tiên nhân loại có một bộ định nghĩa đầy đủ thế nào là đảo, là đá, bãi nửa nổi nửa chìm… và quy chế pháp lý đối với từng cấu trúc như vậy, có thể xem là một sự tiến bộ của nhân loại về mặt pháp lý, khoa học.

Toà cũng khẳng định những gây hại đối với môi trường, làm gia tăng tranh chấp và những tính phi pháp trong nhiều hành động của Trung Quốc, không chỉ đối với Philippines mà còn đối với các hoạt động khác nói chung.

Trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên vùng Biển Đông, trước hết, các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất COC có nội dung thực chất và có hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Đồng thời, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, ngừng hành vi gây hấn và có các bước để trấn an cộng đồng quốc tế rằng nước này cam kết đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ vốn tôn trọng quyền của tất cả các nước dù lớn hay nhỏ.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc nên tuân thủ phán quyết Biển Đông! tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714129516 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714129516 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10